Chiều 10.4, tiếp tục chương trình phiên họp 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 3.2023.
Báo cáo nội dung phản ánh, kiến nghị của cử tri, nhân dân, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho hay, cử tri cả nước phản ánh và lo lắng về tình trạng tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra. Cùng với đó là việc ma túy tổng hợp được vận chuyển vào Việt Nam thông qua tiếp viên hàng không.
Cử tri cũng phản ánh người dân nhận được các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo bằng việc thông báo chuẩn hóa thông tin cá nhân của thuê bao di động, nhập mật khẩu theo đường link website ngân hàng.
Bên cạnh đó, cử tri cũng lo lắng tình trạng nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, số lượng người muốn rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân và gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.
Đáng chú ý là trong thời gian gần đây, cử tri quan tâm và phản ánh còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó có công tác phòng cháy, chữa cháy được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Chi tiền tỉ sửa chữa nhưng chưa được mở cửa, chủ quán karaoke TP.HCM 'kêu cứu'
Việc này được triển khai sau khi một số vụ việc hỏa hoạn gây thương vong tại các cơ sở kinh doanh karaoke.
"Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy, chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh… làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy", ông Bình nhấn mạnh.
Từ đó, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy, chữa cháy; tháo gỡ các bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất kiến nghị sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy, chữa cháy đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Có thể điều chỉnh theo từng trường hợp cụ thể
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nói, Bộ Công an xin tiếp thu các kiến nghị của Ban Dân nguyện nêu trong báo cáo. Cụ thể là việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy, chữa cháy; tháo gỡ các bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, cần nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh trong trường hợp có điều kiện về an ninh trật tự thì cần tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định phòng cháy, chữa cháy.
"Nếu chúng ta hạ mức các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy thì hậu quả liên quan là rất lớn, liên quan đến tính mạng và tài sản của người dân", ông Hùng nói và cho biết, trong trường hợp cụ thể thì Bộ Công an sẽ tiếp thu để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền để có thể thay đổi, điều chỉnh, bổ sung theo từng trường hợp cụ thể.
"Vấn đề ở đây là phải tăng cường tính tự giác trong chấp hành, tuân thủ quy định phòng cháy, chữa cháy, người đứng đầu các cơ sở trọng điểm về chính trị, văn hóa, xã hội và các hộ kinh doanh cá thể phải thường xuyên có ý thức tổ chức kiểm tra việc đảm bảo quy định phòng cháy, chữa cháy; phối hợp tốt trong việc thẩm định, rà soát và bổ sung kịp thời các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy để phòng ngừa", ông Hùng nhấn mạnh.
Xem nhanh 20h ngày 10.4: Cha con ông chủ Tân Hiệp Phát bị bắt | Vén màn hợp đồng bảo hiểm
Bình luận (0)