Thứ trưởng Bộ GD-ĐT bật khóc khi nghe giáo viên 'kể khổ' về học trực tuyến

19/11/2021 16:17 GMT+7

Có nhiều năm dạy học ở vùng sâu vùng xa, khu vực đặc biệt khó khăn nhưng nhiều giáo viên không “kể khổ" cho mình mà chỉ giãi bày về những khó khăn của học trò khi phải học trực tuyến thích nghi với dịch Covid-19.

“Chỉ ước học sinh có đủ thiết bị học trực tuyến”

Cuộc gặp gỡ giữa Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh với 34 giáo viên trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2021 diễn ra tại trụ sở Bộ GD-ĐT kéo dài 2 giờ đồng hồ với 6 ý kiến tâm huyết của những giáo viên công tác ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn. Với đa số các thầy cô giáo, đây là lần đầu tiên họ được về Hà Nội và đến thăm Bộ GD-ĐT.

Điểm chung của những ý kiến chia sẻ với lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các thầy cô không nói về mình mà phản ánh những khó khăn, thách thức trong việc dạy học trực tuyến hiện nay.

Thầy giáo Bùi Minh Đức, giáo viên Trường THCS Phú Lương (H.Lạc Sơn, Hoà Bình), chia sẻ các trường học miền núi rất khó thích ứng với việc giảng dạy học trực tuyến. Nhiều năm nay, giáo viên và học sinh khó tiếp cận với công nghệ thông tin, máy tính nên việc dạy và học trực tuyến còn lúng túng. Ảnh hưởng dịch Covid-19, nhà trường được đầu tư một số máy tính giảng dạy học trực tuyến nhưng học sinh không phải gia đình nào cũng có điều kiện đầu tư mua sắm điện thoại thông minh, máy tính cho con.

Giáo viên phản ánh dạy học trực tuyến rất khó áp dụng ở vùng sâu vùng xa khi phần lớn học sinh không có đủ thiết bị, cha mẹ không thể trang bị, mua sắm máy tính, điện thoại cho con em

Hoàng Phan

“Ngoài thiếu máy, không đủ thiết bị để dạy học thì trở ngại nữa là khu vực vùng sâu vùng xa nên điện rất yếu, khi mở một lúc 10 - 15 máy tính là điện bị mất đột ngột, tín hiệu đường truyền cũng yếu nên việc dạy học trực tuyến không được hiệu quả”, thầy Đức nói.

Đến từ tỉnh Trà Vinh, thầy giáo Lư Văn Sa Rinh (Trường THPT Đôn Châu, H.Duyên Hải) cũng chia sẻ, ngôi trường nơi thầy đang công tác chủ yếu là học sinh người Khơ me theo học. Gia cảnh các em rất nghèo, bố mẹ phải đi làm ăn xa nên việc mua sắm thiết bị học trực tuyến gần như không thể.

Cũng theo thầy Rinh, qua rà soát ở trường còn rất nhiều em không có máy tính, điện thoại để học trực tuyến. Thầy Rinh cùng đồng nghiệp phải đi vận động các nhà tài trợ nhưng cũng không đủ.

Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương trao bằng khen cho các giáo viên tham gia chương trình Chia sẻ cùng thầy cô

Hoàng Phan

“Chúng tôi vận động mãi cũng chỉ được 11 điện thoại thông minh và 2 máy tính bảng để các em ngồi học chung. Dịch Covid-19 chưa biết khi nào sẽ hết và tôi chỉ mong sao các em học sinh ở vùng sâu vùng xa được hỗ trợ đầy đủ trang thiết bị để học trực tuyến”, thầy Rinh bày tỏ.

Lan tỏa khát vọng cống hiến cho cộng đồng

Trực tiếp lắng nghe phản ánh từ các thầy cô giáo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đã bật khóc vì xúc động. Bà Minh cho rằng, chuyển sang giảng dạy học trực tuyến là giải pháp để thích ứng với dịch Covid-19 nhưng thực tế ở vùng sâu vùng xa áp dụng lại rất khó khăn, có rất nhiều cái khó, khó nhất là thiếu thốn thiết bị, phương tiện dạy và học trực tuyến.

Bà Minh thừa nhận, không phải cán bộ quản lý nào cũng thấu hiểu hết khó khăn, thách thức của các trường học ở vùng sâu vùng xa khi áp dụng học trực tuyến. Nhưng vượt lên trên hết, nhiều thầy cô giáo vẫn có những cách làm sáng tạo, chủ động đến với học sinh để tổ chức, hướng dẫn các em học tập không để bị đứt quãng. Đây là minh chứng các thầy cô hết sức nỗ lực và trách nhiệm với công việc.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh xúc động khi nghe nhiều giáo viên phản ánh về khó khăn trong dạy học trực tuyến ở vùng sâu vùng xa

Hoàng Phan

Bà Minh cũng nhấn mạnh, ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới về căn bản, trong đó có nội dung ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

“Bản thân mỗi giáo viên đều là tấm gương tiêu biểu cho ý chí vượt khó, vượt qua nghịch cảnh thì hãy tiếp tục là hạt nhân lan tỏa tinh thần và khát vọng cống hiến cho cộng đồng đến với nhiều người hơn, đến với học sinh để ngành giáo dục, sự nghiệp trồng người càng càng phát triển hơn”, bà Minh bày tỏ.

Bà Ngô Thị Minh trao bằng khen cho các giáo viên tham gia chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2021

Hoàng Phan

Đại diện ban tổ chức chương trình Chia sẻ cùng thầy cô, ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long, khẳng định sự vinh danh các thầy cô giáo có đóng góp tiêu biểu cho ngành giáo dục năm nay càng ý nghĩa hơn. Trong 2 năm vừa qua, ngành giáo dục chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, các thầy cô vẫn vững tay chèo lái, trở thành “tuyến đầu” duy trì học động dạy và học online.

"Dạy học trên bục giảng đã khó, dạy học qua màn hình máy tính còn là một "trận đánh" khó gấp nhiều lần, thách thức trí tuệ, ý chí của những người đang ở trên tuyến đầu ngành giáo dục. Nỗ lực lao động nghiêm túc và sự nhanh nhạy vượt khó của người thầy xứng đáng nhận được sự tôn vinh của toàn xã hội", ông Hào xúc động nói.

Chia sẻ cùng thầy cô là chương trình do T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức hàng năm trong dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 nhằm động viên, tôn vinh giáo viên công tác ở khu vực đặc biệt khó khăn, đóng góp tiêu biểu cho ngành giáo dục.

Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2021 tuyên dương 50 giáo viên nhưng do điều kiện dịch Covid-19 nên chỉ có 34 giáo viên về Hà Nội tham dự chương trình. Mỗi giáo viên được lựa chọn tham gia chương trình này được Bộ GD-ĐT, T.Ư Đoàn tặng bằng khen và nhận sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.