Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Giáo viên cần được tạo động lực, giảm áp lực để đổi mới

22/01/2021 19:24 GMT+7

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc giảm áp lực và tạo động lực cho giáo viên (GV) khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là rất cần thiết.

Ngày 21.2021, đoàn công tác Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đã kiểm tra công tác triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm học 2020 - 2021 tại Hà Nam.
Dự kiến trong tháng 2.2021, Bộ GD-ĐT sẽ có sơ kết đánh giá việc triển khai chương trình GDPT mới ở lớp 1 sau khi đã thực hiện trọn vẹn 1 học kỳ. Do vậy, theo ông Nguyễn Hữu Độ, ngoài việc tổng hợp báo cáo của các sở GD-ĐT, các vụ, cục chức năng của Bộ và lãnh đạo Bộ GD-ĐT trực tiếp kiểm tra ở  địa phương để nắm bắt và đưa ra những giải pháp cho học kỳ 2 và các năm đổi mới tiếp theo.

Dù khó khăn vẫn dành những gì tốt nhất cho lớp 1

Đến thời điểm này, học sinh lớp 1 đã hoàn thành chương trình học kỳ đầu tiên của năm đầu tiên đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Ghi nhận ở một loạt các trường tiểu học ở Hà Nam cho thấy, những gì tốt nhất năm nay đều được ưu tiên đầu tư cho lớp 1 để phục vụ cho việc đổi mới.
Ngoài trang bị thiết bị dạy học theo danh mục bắt buộc, UBND tỉnh Hà Nam đã dành ngân sách địa phương để đầu tư cho mỗi lớp 1 trên toàn tỉnh một chiếc ti vi công nghệ cao để phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Những GV có năng lực nhất được các nhà trường chọn đi bồi dưỡng, tập huấn để dạy lớp 1.
Đáng chú ý, toàn tỉnh còn thiếu khá nhiều GV tiểu học nhưng riêng lớp 1 được bố trí đủ GV để đảm bảo 100% lớp 1 được dạy học bắt buộc 2 buổi/ngày (theo chương trình GDPT mới)…

Học sinh lớp 1 ở Hà Nam đã quen dần với chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới

ẢNH T.NGUYỄN

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nhân Thịnh (H.Lý Nhân, Hà Nam), cho biết cả trường mới đạt được tỷ lệ 1,27 GV/lớp (kể cả cán bộ tổng phụ trách Đội) nhưng lớp 1 được bố trí đủ tỷ lệ 1,5 GV/lớp. Còn lại phải dồn 4 lớp để đảm bảo tiếp tục duy trì học 2 buổi/ngày. Nhà trường cũng thành lập “tổ tư vấn dạy học lớp 1” để tháo gỡ những khó khăn nảy sinh trong quá trình dạy học theo chương trình mới… Nhờ vậy môn tiếng Việt có 100% và môn toán có 95,8% học sinh lớp 1 được đánh giá đạt yêu cầu…
Tương tự, ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Phủ Lý, cho biết so với nhu cầu thì toàn thành phố còn thiếu hơn 200 GV nhưng vẫn cố gắng “co kéo” để đảm bảo 100% lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Mặc dù vậy, ông Thắng cho rằng, nếu không có định biên để tuyển dụng GV thì những năm sau sẽ rất khó khăn.
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam, cũng chỉ ra thực tế từ nhiều năm nay biên chế GV trong số biên chế sự nghiệp giáo dục được UBND tỉnh giao không đủ số lượng theo định mức quy định. Điều đó gây khó khăn cho ngành giáo dục trong việc phân công, bố trí GV, nhất là giai đoạn thực hiện đổi mới GDPT, những môn học mới cần tuyển dụng GV mà không có biên chế giao để tuyển.

100% học sinh lớp 1 ở TP.Phủ Lý (Hà Nam) được học 2 buổi/ngày

Ảnh Tuệ Nguyễn

Sở GD-ĐT Hà Nam mong muốn Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ giao bổ sung chỉ tiêu biên chế để đảm bảo tối thiểu tỷ lệ GV/lớp theo quy định
Các cơ sở giáo dục cũng đề nghị việc bồi dưỡng, tập huấn GV cần bố trí vào thời điểm thích hợp trong năm học, nên bố trí trong hè thay vì vào năm học GV vừa dạy học vừa phải tham gia các lớp tập huấn như năm qua; tăng cường thời gian bồi dưỡng trực tiếp, giảm thời gian bồi dưỡng trực tuyến; nội dung bồi dưỡng cần sát với đối tượng GV là những người trực tiếp thực hiện việc giảng dạy, giảm lý thuyết hàn lâm; tăng cường GV cốt cán tại địa phương.
Đối với vấn đề lựa chọn sách giáo khoa mới, ngành GD-ĐT Hà Nam cho rằng cần bổ sung kịp thời một số văn bản hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa và tài liệu dạy học theo chương trình GDPT mới đối với từng môn học để các địa phương tham khảo.

Giáo viên là yếu tố quyết định thành công của chương trình

Ông Nguyễn Hữu Độ ghi nhận những quan tâm, nỗ lực của ngành GD-ĐT Hà Nam cũng như nhiều địa phương trên cả nước trong việc đổi mới chương trình GDPT ở lớp 1 và nhấn mạnh: chương trình giáo dục phổ thông mới có sự thay đổi căn bản so với chương trình cũ, từ mục tiêu, nội dung chương trình cho đến phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá…
Do vậy, yếu tố quyết định thành công của đổi mới chính là đội ngũ quản lý và GV ở mỗi nhà trường. “Bộ có xây dựng chương trình giáo dục hay bao nhiêu cũng không thể thành công nếu thiếu người thực hiện đúng với tinh thần đổi mới, tiến bộ”, ông Độ nói.
Theo ông Độ điều quan trọng là phải tạo động lực và chuẩn bị tâm thế cho GV. Thực tế, không đợi đến khi đổi mới chương trình GDPT, từ các năm trước, Bộ GD-ĐT đã có các văn bản cho phép, hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng các mô hình dạy học mới… Nhờ vậy, GV và các nhà trường không bị bất ngờ khi chính thức đổi mới chương trình GDPT.
Ví dụ, trước đây cả nước thực hiện “đồng phục” thời khóa biểu thì từ năm 2017 đến nay các nhà trường và GV được quyền xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, phù hợp với điều kiện dạy học và từng đối tượng học sinh.
Có thể dạy nhanh và chậm hơn theo mức độ tiếp thu của học sinh mà không lo bị phê bình về tiến độ chương trình… Bộ cũng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định việc giảm áp lực hồ sơ, sổ sách, thi cử cho GV... để GV có nhiều thời gian tập trung cho công tác chuyên môn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, giáo viên cần được tạo động lực để đổi mới, sáng tạo

ẢNH T.NGUYỄN

Theo ông Độ, việc tạo động lực cho GV bằng việc giảm những áp lực không đáng có là rất cần thiết và phải làm ngay. GV không bị áp lực thì mới khiến học sinh không quá tải và khó khăn với việc học.
Xung quanh vấn đề thiếu GV, ông Độ cho biết, Bộ đã giao cho một đơn vị thực hiện đề tài nghiên cứu về định mức GV/lớp; số giờ dạy của GV/tuần để đề xuất tỷ lệ GV phù hợp hơn nữa. Dự kiến trong năm 2021 đề tài này sẽ hoàn thành và trên cơ sở đó Bộ GD-ĐT sẽ có đề xuất phù hợp. Tinh thần là phải giữ tỷ lệ GV đảm bảo để có thể đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018.
Thứ trưởng Độ cho biết, Bộ sẽ tiếp thu, ghi nhận các kiến nghị của các cơ sở giáo dục về việc đẩy sớm thời gian và nâng chất lượng tập huấn, bồi dưỡng GV thực hiện chương trình GDPT mới trong các năm học tiếp theo.

Sẽ có 2 “tuần 0” cho lớp 1, lớp 6

Ghi nhận đề nghị của các nhà trường về việc cần cho học sinh đầu cấp tựu trường sớm hơn để có thời gian làm quen với môi trường học tập hoàn toàn mới trước khi vào học chính thức, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và có thể từ năm học tới sẽ cho học sinh lớp 1, lớp 6 tựu trường sớm hơn 2 tuần so với các khối lớp còn lại.
Đây là những “tuần 0” ngoài 35 tuần thực học nhằm giúp học sinh các lớp đầu cấp có 2 tuần làm quen lớp, quen trường, quen với thầy cô giáo và bạn bè mới; giúp các em không bỡ ngỡ khi thay đổi môi trường và cách thức học tập mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.