Chiều nay (26.4), Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức lễ công bố đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế của tổ chức kiểm định FIBAA cho giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2030. Đồng thời, trường có 18 chương trình đào tạo trình độ ĐH và thạc sĩ được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế FIBAA, ASIIN và AUN-QA nâng tổng số chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng lên 37.
Tiến sĩ Trần Trọng Đạo, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết sau 9 năm triển khai các chương trình đào tạo được chuẩn hóa theo chuẩn quốc tế, tỷ lệ sinh viên hài lòng về chất lượng dạy-học theo chương trình này đạt 98,72% - vượt xa so với mục tiêu tối thiểu đặt ra là 85%.
Đáng chú ý, ông Đạo cho biết thành công quan trọng nhất là tỷ lệ sinh viên tự tạo việc làm và có việc làm trong vòng 1 năm kể từ thời điểm tốt nghiệp của năm học vừa qua trong toàn trường đạt từ 99,3 - 100%, mức cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt có những ngành sinh viên có việc làm với mức lương khởi điểm cao. Bên cạnh đó, kết quả điều tra sự hài lòng của doanh nghiệp và người sử dụng lao động cho thấy tất cả doanh nghiệp nhận sinh viên vào làm việc đều đánh giá sinh viên rất có "đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, chăm chỉ, giờ giấc nghiêm túc và lễ phép".
Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định là sự khởi đầu của giai đoạn mới
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết Trường ĐH Tôn Đức Thắng hiện có quy mô 26.000 sinh viên, với hơn 1.200 cán bộ, giảng viên, người lao động (trong đó tỷ lệ người có trình độ tiến sĩ hiện trên 34%).
Gửi gắm đến các trường ĐH trên cả nước, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết hiện nay Bộ GD-ĐT được giao tổng kết Nghị quyết 29 (Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế). Theo đó, giáo dục ĐH đã có sự đổi mới rất mạnh mẽ, đặc biệt là cơ chế tự chủ ĐH để từ đó tạo ra sự phát triển rất năng động của hệ thống giáo dục nước nhà. Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cũng thay đổi mạnh mẽ. Nếu như 10 năm trước rất ít trường đạt chuẩn quốc tế và số lượng trường, chương trình đạt chuẩn kiểm định trong nước rất ít, thì nay đã tăng nhiều.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, hoạt động kiểm định giáo dục hiện nay rất được Bộ GD-ĐT quan tâm với mục tiêu đặt ra là đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục, làm căn cứ để cơ sở giáo dục giải trình với cơ quan quản lý nhà nước về thực trạng giáo dục, làm cơ sở cho người học lựa chọn chương trình học, cho nhà tuyển dụng tuyển chọn lao động.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: "Kiểm định chất lượng giáo dục là một quá trình lâu dài, liên tục, đòi hỏi sự đầu tư thực chất, tâm huyết và nhiều yếu tố phối hợp. Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định là sự khởi đầu của một giai đoạn mới, động lực cũng là thách thức để trường cần tiếp tục phấn đấu để không ngừng phát triển trên tầm cao mới".
Bình luận (0)