Tạo nên một sự phân loại hợp lý
Trước những tranh luận về việc trường ĐH thành ĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng có một sự ngộ nhận rằng đây chỉ là sự thay đổi tên gọi, trong khi thực chất đây là sự thay đổi về mô hình tổ chức, xuất phát từ nhu cầu phát triển bên trong của từng cơ sở đào tạo.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn |
NGỌC ĐẠI |
Ông Sơn nói: “Chúng ta có ĐH Quốc gia Hà Nội từ năm 1995, còn tên gọi ĐH được đưa chính thức vào luật GD ĐH năm 2012, nhưng chỉ có mô hình ĐH 2 cấp (ĐH “con” trong ĐH “mẹ”). Nhưng luật GD ĐH sửa đổi năm 2018 (luật 34/2018) mở rộng định nghĩa về ĐH, không bắt buộc mô hình ĐH phải là 2 cấp. Với luật 34/2018, yêu cầu ĐH chỉ là đa lĩnh vực, có năng lực đào tạo sau ĐH, nghĩa là phải chú trọng nghiên cứu và có khả năng đào tạo người làm nghiên cứu. Nghị định 99 đã cụ thể hóa các điều kiện, như trường tối thiểu phải có trong ĐH, quy mô sinh viên (SV), bao nhiêu chương trình đào tạo tiến sĩ…”.
Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, trường đầu tiên trở thành ĐH |
MAI CHI |
Cũng theo ông Sơn, điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế phát triển của hệ thống GD ĐH. Có hàng trăm cơ sở đào tạo ĐH nhưng giữa các cơ sở có sự khác biệt rất lớn về quy mô, về lĩnh vực đào tạo. Có trường ĐH, học chỉ 1 - 2 ngành, với quy mô khoảng 1.000 SV. Nhưng có nhiều trường 25.000, thậm chí 35.000 - 40.000 SV. Gộp chung tất cả vào một tên gọi là “trường ĐH”, cùng một mô hình tổ chức, thì không hợp lý. Nên luật đưa ra 2 mô hình, trường ĐH và ĐH, đặt ra ngưỡng tối thiểu với ĐH, tạo nên một sự phân loại hợp lý, các trường căn cứ vào sự phát triển của chính mình để lựa chọn mô hình phù hợp. Trường lĩnh vực hẹp, quy mô nhỏ thì vẫn chỉ là trường ĐH; trường đa lĩnh vực, đào tạo nhiều trình độ đa lĩnh vực, quy mô lớn, nếu có mong muốn thì có thể chuyển thành ĐH.
Loại trừ việc gọi tên như trường ĐH, ĐH gây nhiều ngộ nhận, nhưng về phân loại thì ta cũng làm tương tự như nhiều nước.
Đến năm 2025, chỉ 5 - 7 trường đủ điều kiện
Như vậy, mô hình ĐH là chỉ phù hợp với cơ sở GD ĐH đa lĩnh vực, có năng lực đào tạo sau ĐH, và có quy mô đủ lớn?
Các trường có mong muốn xây dựng đề án chuyển thành ĐH đều có quy mô lớn. Nhưng ít nhất là trong vài năm tới, không phải trường nào cũng muốn thành ĐH, và không phải trường nào cũng có khả năng trở thành ĐH. Đến năm 2025, nhiều lắm thì cũng chỉ 5 - 7 trường hội tụ được 2 yếu tố này (có mong muốn, và có điều kiện), để từ trường ĐH thành ĐH.
Đừng nghĩ ĐH phải là cái gì đó đẳng cấp hơn trường ĐH. Hiện nay chúng ta đang có 3 ĐH vùng, không ai nói là ĐH vùng có vị thế - có đẳng cấp cao hơn. Luật cũng không phân biệt, cũng không ưu ái gì hơn giữa ĐH với trường ĐH, ngoài cái quyền tự chủ học thuật là do bản thân năng lực tự chủ của đơn vị đã cao sẵn rồi (thì mới được chuyển từ trường ĐH thành ĐH). Một trường ĐH thành ĐH không có nghĩa là chuyển vị thế hay chuyển đẳng cấp. Đẳng cấp thể hiện ở kết quả đào tạo, nghiên cứu, đóng góp cho cộng đồng - cho xã hội, chứ không phải vì tên gọi.
Có những trường đơn ngành, nhưng có truyền thống đào tạo lâu đời, tạo được dấu ấn về chất lượng đào tạo, thì dẫu cứ là trường ĐH thì vị thế và đóng góp của họ vẫn cao trong hệ thống GD ĐH.
Nhưng không loại trừ việc một số trường vì cho rằng mang danh ĐH sẽ có uy tín hơn nên “phấn đấu” bằng đủ mọi cách để trở thành ĐH, trong khi chất lượng đào tạo thì không thay đổi?
Không phải các trường cứ “phấn đấu” đủ điều kiện một cách cơ học là được. Các trường phải làm đề án, nếu có nhu cầu, và Bộ sẽ xem xét đề án đó, để xem sự phù hợp khi chuyển mô hình. Việc chuyển mô hình là để hiệu quả, chứ không phải là thêm này thêm kia để có chữ ĐH thay cho chữ trường ĐH.
Tôi xin nhấn mạnh, các trường phải tự xác định sự phù hợp về mô hình với chiến lược phát triển của mình, đừng chạy theo cách hiểu thông thường là ĐH thì hơn trường ĐH. Vì không thể có chuyện chuyển từ trường ĐH thành ĐH mà không phải xuất phát từ nhu cầu tổ chức lại bộ máy.
Bình luận (0)