Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại buổi làm việc |
QUẾ HÀ |
Theo báo cáo của Sở GTVT Bình Thuận tại buổi làm việc cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng của cả 2 dự án đã đạt 100%. Việc xây dựng 5 khu tái định cư cũng đã hoàn chỉnh, đang bố trí đưa dân vào ở. Đề nghị Ban 7 và Ban Thăng Long (đại diện Bộ GTVT làm chủ đầu tư) kiểm soát nguồn vật liệu các nhà thầu đạt chất lượng, không tham gia tiêu thụ khoáng sản trái phép.
Chờ cấp phép thêm 10 mỏ vật liệu
Cũng tại cuộc họp, đại diện Sở TNMT Bình Thuận cho biết, đối với 10 mỏ xin cấp mới mà các nhà thầu đề nghị, hiện nay Sở đã nhận 5 hồ sơ và đang lấy ý kiến xử lý để sớm cấp phép theo tinh thần Nghị quyết 60 của Chính phủ ngay trong tháng 1.2022.
Về thủ tục cấp phép mới 10 mỏ vật liệu mà các nhà thầu đề nghị, ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã yêu cầu Sở TNMT có báo cáo tiến độ từng mỏ, chậm ở khâu nào, chậm do đâu, hướng giải quyết ra sao để tháo gỡ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong yêu cầu các nhà thầu xin cấp phép khai thác mỏ, hoàn thiện thủ tục đến đâu trình đến đó để đảm bảo tiến độ. “Về chủ trương thì tỉnh đã thống nhất. Hiện nay vấn đề còn lại chỉ là sự phối hợp giải quyết thủ tục giữa các nhà thầu với Sở TNMT Bình Thuận, là nơi tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác”, ông Phong phát biểu.
Các khó khăn của nhà thầu thi công trình bày tại cuộc họp được UBND tỉnh Bình Thuận ghi nhận và yêu cầu các cơ quan chuyên môn giải quyết sớm nhất |
QUẾ HÀ |
Đối với việc giải phóng mặt bằng đoạn Dầu Giây- Phan Thiết, theo lãnh đạo BQL dự án Thăng Long, đoạn này còn một trụ điện cao thế, một trạm biến áp ở H.Hàm Tân chưa được giải tỏa để bàn giao cho chủ đầu tư. Chủ tịch Lê Tuấn Phong cho rằng tỉnh đang chỉ đạo rốt ráo và sẽ hoàn thành di dời trụ cao thế ngay trong tháng 12. 2021.
Còn theo báo cáo của lãnh đạo Ban 7, tiến độ giải ngân của đoạn cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết, sản lượng thi công đến thời điểm này phải đạt 1.191,88 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay sản lượng các nhà thầu chỉ đạt 974,34 tỉ đồng (chậm 18,3% so với kế hoạch đề ra); đến hết năm 2021 phải đạt 1.583,5 tỉ đồng (chiếm 26,11% giá trị hợp đồng).
Về nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, theo Ban 7, ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, còn có nguyên nhân chủ quan từ phía các nhà thầu thi công.
Về vật liệu đất đắp nền, nhu cầu của dự án khoảng 9,2 triệu m3, đã cấp phép 7 mỏ đạt 2,5 triệu m3, tận dụng vật liệu tại chỗ khoảng 1,5 triệu m3. Như vậy số còn thiếu hiện Bình Thuận đang xem xét để cấp phép thêm 10 mỏ nữa.
Thi công tuyến cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết đoạn qua xã Thuận Minh, H.Hàm Thuận Bắc được đánh giá là chậm do thiếu vật liệu san lấp nền đường |
QUẾ HÀ |
Các nhà thầu cam kết tiến độ thực hiện
Lãnh đạo Ban 7 cho rằng tiến độ cấp phép mới và nâng cấp công suất các mỏ còn chậm so với yêu cầu. Đến hết năm 2021, các gói thầu chậm hiện nay chính là phải tập trung ở khối lượng đất đắp nền đường.
Thời gian qua, Ban 7 đã họp với các nhà thầu đánh giá nguyên nhân chậm trễ. Theo đó, các nhà thầu ký cam kết thực hiện đúng tiến độ khối lượng, sản lượng, giải ngân đến cuối năm. Nếu việc thi công tiếp tục chậm trễ sẽ bị phạt và chuyển khối lượng công việc sang nhà thầu khác.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, nhắc lại tầm quan trọng của hai tuyến cao tốc này và cho biết Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ (phụ trách) rất quan tâm tiến độ của dự án.
Theo ông Đông, hiện nay đối chiếu thực tế thì cả 2 dự án cao tốc là có chậm so với tiến độ đặt ra. “Ngoài nguyên nhân khách quan là do dịch bệnh Covid-19, có nguyên nhân chủ quan, trong đó chủ yếu do thiếu vật liệu san lấp. Về kinh phí giải phóng mặt bằng, có khả năng không giải ngân hết kinh phí trong năm 2021, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân”- ông Đông cho biết.
Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công cả 2 tuyến cao tốc đi qua Bình Thuận nhằm kịp tiến độ vào cuối năm 2022 |
QUẾ HÀ |
Về tiến độ, thủ tục trong việc cấp phép các mỏ đất cho các nhà thầu, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, cho rằng dù có nhiều cố gắng nhưng so với yêu cầu thì tiến độ vẫn chậm, cần khẩn trương cấp phép cho các chủ mỏ.
Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận quan tâm sát sao hơn nữa, trên tinh thần ưu tiên giải quyết thủ tục nhanh nhất cho các mỏ đất phục vụ cho dự án. Bình Thuận cần thẩm định các hồ sơ các nhà thầu đã trình, sớm cấp phép trong tháng 1.2022 để phục vụ cho khai thác tranh thủ vào mùa khô. “Nếu không hoàn thành thủ tục các mỏ vào 1.2022 thì khó hoàn thành đúng tiến độ. Chúng ta cần quyết tâm cao hơn nữa để hoàn thành dự án cao tốc đúng tiến độ mà Chính phủ yêu cầu”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu.
Bình luận (0)