Thứ trưởng Bộ KH-CN: Không đầu tư nghiên cứu chỉ để có bài báo quốc tế

13/05/2024 17:33 GMT+7

Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Hồng Thái, định hướng đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, không ưu tiên đầu tư nghiên cứu chỉ để có bài báo quốc tế.

Hôm nay 13.5, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Nafosted và Tạp chí Tia sáng (Bộ KH-CN) tổ chức tọa đàm "Xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc". 

Tại hội thảo, ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ KHCN, đã chia sẻ quan điểm của bộ này về định hướng đầu tư, tài trợ của nhà nước cho nghiên cứu khoa học theo hướng tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, không ưu tiên đầu tư nghiên cứu chỉ để có bài báo quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Hồng Thái, nghiên cứu khoa học trong thời gian tới không ưu tiên chỉ để có bài báo quốc tế

Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Hồng Thái, nghiên cứu khoa học trong thời gian tới không ưu tiên chỉ để có bài báo quốc tế

MỸ HẠNH

Theo ông Trần Hồng Thái, trong khoảng 10 năm qua, nền khoa học Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ công trình công bố trên tạp chí quốc tế uy tín (bài báo quốc tế) tăng khoảng 20%, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 bài báo quốc tế.

Đó là hệ quả của chính sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học của nhà nước, không xem công bố quốc tế là đích hướng tới, nhưng khẳng định tiềm năng, năng lực khoa học công nghệ Việt Nam. Chính sách đầu tư đó giúp các nhà khoa học yên tâm, dù làm việc ở trong nước nhưng không bị tụt hậu (vẫn có công bố quốc tế) so với các đồng nghiệp ở nước ngoài.

Đầu tư phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái, thời gian qua, chúng ta mới chỉ tập trung vào việc giúp các nhà khoa học Việt Nam thể hiện là mình đang hiện diện trên thế giới (thông qua việc xuất bản các bài báo quốc tế). Trong khi đó, muốn xây dựng được một nền khoa học công nghệ thì cần phải phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh.

"Nếu coi nền khoa học công nghệ của quốc gia như một cơ thể thì các nhóm nghiên cứu mạnh như tế bào. Muốn có một cơ thể khỏe khoắn, muốn phát triển thì từng tế bào phải lành mạnh, trong sáng, khỏe mạnh", ông Trần Hồng Thái nói.

Trên quan điểm đó, định hướng đầu tư, tài trợ cho nghiên cứu khoa học của Nhà nước trong thời gian tới sẽ có những ưu tiên phù hợp. Trước hết, việc đầu tư, tài trợ sẽ không ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu có tính dàn trải, không ưu tiên cho những công trình nghiên cứu chỉ có mục tiêu là có bài báo quốc tế.

Việc đầu tư, tài trợ cho nghiên cứu khoa học sẽ dành sự ưu tiên cho các nhà khoa học trẻ (tỷ lệ hiện là 50%, sẽ cố gắng đẩy lên hơn 70%), cho các đề tài có tính dài hơi (5 năm/đề tài). "Không đầu tư, không hỗ trợ để ra bài báo, mà hỗ trợ tăng cường năng lực các nhà khoa học trẻ để xây dựng nghiên cứu phát triển…", ông Trần Hồng Thái chia sẻ.

Ông Trần Hồng Thái giải thích thêm: "Một nhà khoa học có một đề án thực hiện trong 5 năm, (Nhà nước) sẽ hỗ trợ để nhà khoa học đó tập trung trả lương khoa học công nghệ cho các cộng tác viên (trẻ) cùng song hành nghiên cứu với nhà khoa học trong vòng 5 năm, với mục tiêu sau khi kết thúc đề tài thì có 60% cộng tác viên trở thành tiến sĩ. Nếu tính ra thì cách đầu tư này sẽ mang lại hiệu quả rất nhiều so với đầu tư chỉ để có bài báo quốc tế".

Cần có chính sách cụ thể

Cũng tại tọa đàm, GS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết ông rất tán thành với quan điểm của Bộ KH-CN qua phát biểu của Thứ trưởng Trần Hồng Thái. Thực ra, Quỹ Nafosted cũng đã được điều hành theo hướng này (đầu tư phát triển khoa học chứ không đầu tư để "đẻ" ra bài báo) từ một số năm gần đây.

GS Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại tọa đàm

GS Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại tọa đàm

MỸ HẠNH

GS Hoàng Anh Tuấn nhắc lại một ý mà ông từng phát biểu 6 năm trước trong một sự kiện của Quỹ Nafosted: "Khi tôi được hưởng một tài trợ nghiên cứu của Quỹ Humboldt thì họ nói chỉ cần nhà nghiên cứu thấy vui vẻ trong quá trình làm ra sản phẩm, không cần phải báo cáo nhiều. Triết lý đó tôi thấy là rất trúng".

GS Hoàng Anh Tuấn đề xuất: "Từ cấp vĩ mô, cơ quan quản lý nhà nước nên thể chế hóa chi tiết hơn các chính sách. Nên có chính sách cụ thể để đơn vị khoa học, nhà khoa học yên tâm, hoặc bắt nhịp được.

Thứ hai là cần chi tiết hóa yêu cầu sản phẩm, cố gắng hài hòa trong yêu cầu sản phẩm. Cái nào yêu cầu công bố quốc tế thì đương nhiên là cần công bố quốc tế, cái nào không cần công bố quốc tế, chỉ cần quốc gia thôi, thì cũng phải làm rõ.

Thứ ba là thực tiễn hóa về lộ trình. Lộ trình không chỉ một vài năm, mà có thể nhiều năm, để các nhà khoa học yên tâm theo đuổi các hướng nghiên cứu, ra được những sản phẩm mang tính dài hơi hơn. Cần phải đồng bộ hóa giữa các cơ sở nghiên cứu với chính sách vĩ mô".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.