Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 3.6 cho biết chuyến đi của Thứ trưởng Wendy Sherman diễn ra từ ngày 5 đến 14.6, nói việc bà đến khu vực "phản ánh cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", theo một thông báo được đăng tải trên website của bộ.
Chuyến đi của bà Sherman diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Washington DC, chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hội nghị lãnh đạo Bộ Tứ tại Tokyo, cũng như sau khi Mỹ công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman |
reuters |
Tại Seoul, bà Sherman dự kiến gặp các quan chức Hàn Quốc, bao gồm Ngoại trưởng Park Jin, Bộ trưởng Thống nhất Kwon Young-se và Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Cho Hyun-dong. Cũng tại thủ đô Hàn Quốc, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ gặp đồng nhiệm Nhật Bản Mori Takeo, và có cuộc gặp ba bên với ông Cho và ông Mori để thảo luận "những thách thức quan trọng trong thế kỷ 21".
Tại Manila, bà Sherman dự kiến gặp Tổng thống đắc cử Ferdinand Marcos Jr., cũng như các thành viên cấp cao của chính quyền hiện tại và tương lai để thảo luận cách thức mới "làm sâu sắc quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines".
Tại Vientiane, bà Sherman dự kiến gặp Phó Thủ tướng Kikeo Khaykhamphithoune và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bounleua Phandanouvong để thảo luận về "các mục tiêu phát triển bền vững" của Lào.
Tại Việt Nam, bà Sherman dự kiến đến thăm cả Hà Nội và TP.HCM, gặp các lãnh đạo và quan chức để thảo luận về quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ. "Khả năng phục hồi chuỗi cung ứng" là một trong những vấn đề sẽ được bàn bạc, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
"Đây thực sự là một hoạt động lớn của Mỹ để chứng tỏ rằng họ vẫn đang tập trung rất nhiều vào khu vực châu Á", bà Deepa Ollapally, giáo sư tại Trường Vấn đề Quốc tế Elliott thuộc Đại học George Washington, người đang viết một cuốn sách về cạnh tranh nước lớn ở Ấn Độ Dương, nói với South China Morning Post.
Bà Sherman đã nhiều lần đến châu Á, bao gồm đến Trung Quốc. Trong chuyến đi lần này, một trong các mục tiêu của bà dường như là cải thiện quan hệ ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, sau nhiều năm Seoul và Tokyo rơi vào căng thẳng.
Tổng thống mới của Hàn Quốc, Yoon Suk-yeol, đã báo hiệu rằng ông muốn liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ và Nhật Bản trong các vấn đề địa chính trị, bao gồm cạnh tranh với Trung Quốc.
Bình luận (0)