Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Bớt điều kiện để người dân tiếp cận nhà ở xã hội

19/09/2023 14:35 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự thảo luật Nhà ở sửa đổi sẽ giảm bớt điều kiện, mở rộng tiêu chí để người dân có thể tiếp cận nhà ở xã hội.

Trao đổi về những chính sách lớn đối với nhà ở xã hội tại phiên thảo luận thứ 2 về nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới tại Diễn đàn kinh tế - xã hội 2023 sáng 19.9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đây là nhóm chính sách "được ưu ái" hơn so với nhóm chính sách khác trong dự thảo luật.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Bớt điều kiện để người dân mua nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trao đổi tại diễn đàn

GIA HÂN

"Các nhóm chính sách nhà ở xã hội mà Chính phủ trình cơ bản đã được Quốc hội thống nhất, sẽ có hiệu lực ngay sau khi được thông qua tại kỳ họp thứ 6 sắp tới", ông Sinh nói.

Cụ thể, dự thảo đã bổ sung nhóm chính sách về nhà ở công nhân ở khu công nghiệp (gồm nhà ở xã hội và nhà lưu trú cho công nhân) và nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang.

Bên cạnh đó là nhóm chính sách dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Theo ông Sinh, khắc phục những tồn tại trước đây, chỉ yêu cầu dành 20% qũy đất trong dự án nhà thương mại ở các đô thị loại 3 trở lên cho nhà ở xã hội, lần này Chính phủ trình theo hướng giao cho UBND cấp tỉnh chủ động.

"Như vậy, UBND cấp tỉnh có thể quyết định dành 20% trong các dự án nhà thương mại cũng như dành quỹ đất ở dự án độc lập để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. Đây là điểm quan trọng tạo điều kiện quan trọng đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội", ông Sinh nói.

Nhóm chính sách thứ 3 để phát triển nhà ở xã hội, theo ông Sinh, dự thảo đã làm rõ, bổ sung nhóm chính sách ưu đãi chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội nhằm thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia xây dựng nhà ở xã hội.

Theo đó, chủ đầu tư tham gia sẽ được miễn tiền sử dụng đất, hưởng lợi nhuận 10%, được dành 20% diện tích đất thương mại dịch vụ đầu tư tiện ích, dịch vụ thương mại phục vụ cư dân tại khu vực dự án của mình. Chủ đầu tư cũng được vay nguồn vốn ưu đãi thông qua ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội.

Là công dân Việt Nam thì được quyền mua 

Theo ông Sinh, một nhóm chính sách mới khác liên quan tới nhà ở xã hội là giảm bớt thủ tục trong việc xác định các đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Bớt điều kiện để người dân mua nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận chuyên đề

GIA HÂN

Trước đây có 3 tiêu chí xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội là cư trú, thu nhập và diện tích nhà ở thì ở dự thảo lần này sẽ bỏ tiêu chí về cư trú. "Chúng ta cũng xác định đã là công dân Việt Nam thì được quyền mua nếu đủ điều kiện về thu nhập, nhà ở", ông Sinh cho hay.

Cạnh đó, điều kiện về thu nhập, diện tích nhà ở cũng có một số điều chỉnh theo hướng "mở rộng". "Tiêu chí về mức thu nhập cũng nâng cao hơn. Tiêu chí về diện tích nhà ở nếu trước đây quy định phải dưới 10 m2 thì trong thời gian tới sẽ giao cho Chính phủ tùy theo từng thời kỳ, có thể xem xét nâng lên 15 m2 giống như các nước trong khu vực", ông Sinh thông tin thêm.

Từ góc độ địa phương, ông Mạc Đình Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết theo chiến lược phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu của TP.Hà Nội là phát triển 6,8 triệu m2. Đây là chỉ tiêu lớn.

Để hoàn thành mục tiêu này, việc đề xuất chính sách thu hút các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia là cần thiết. Trong đó, Hà Nội đề nghị cần có giải pháp cải cách về trình tự thủ tục, đặc biệt là lựa chọn nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Cụ thể, liên quan tới tiền sử dụng đất từ 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại, TP.Hà Nội đề xuất được sử dụng tiền này thông qua quỹ phát triển nhà ở địa phương để phát triển đầu tư hoặc cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Cùng với đó, ông Mạc Đình Minh đề xuất tăng lợi nhuận định mức của các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội lên 15% (trước đây quy định là 10%).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.