Thứ trưởng Công an: 'Vụ Việt Á cho thấy một số trường hợp vẫn không biết sợ'

30/06/2022 15:34 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng tháng 4.2020, cơ quan chức năng đã xử lý Giám đốc CDC Hà Nội trục lợi nhưng sau đó vẫn xảy ra vụ Việt Á cho thấy một nhóm đối tượng vẫn không biết sợ.

Giá vật tư thiết bị tại nhiều bệnh viện giảm 20 - 40%

Tham luận tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sáng 30.6, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Đảng ủy Công an T.Ư luôn nhận thức sâu sắc, quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tham luận tại hội nghị

gia hân

Về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ, Đảng ủy Công an T.Ư cũng đã quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chủ động phát hiện, xử lý nhiều cán bộ vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao theo đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Ông Ngọc cho hay, tới nay, Đảng ủy Công an T.Ư đã xử lý kỷ luật Đảng, hành chính trên 500 người, trong đó 86 người bị xử lý về trách nhiệm người đứng đầu.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công an, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được lực lượng công an triển khai toàn diện, từ phòng ngừa đến phát hiện, điều tra, xử lý đạt nhiều kết quả.

Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng công an đã có hàng nghìn báo cáo lên lãnh đạo Đảng, nhà nước và kiến nghị các ngành khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế, đưa giá trị xuất khẩu, giá trị một số mặt hàng quay về giá trị thực.

Ông Ngọc cho hay, trong giai đoạn vừa qua, tại một số bệnh viện T.Ư, giá của các vật tư, thiết bị tiêu hao đã giảm từ 20 - 40%, điển hình như máy CT 128 lớp đã giảm từ 40 tỉ đồng xuống 25 tỉ đồng.

"Kết quả đó đóng góp vào ổn định kinh tế - xã hội, ngăn chặn 4 nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ", ông Ngọc nói.

Khởi tố, bắt tạm giam nguyên giám đốc CDC Bình Phước Nguyễn Văn Sáu

“Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực"

Về xử lý, ông Ngọc thông tin, giai đoạn 2012 - 2020, công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng đã được Tổng bí thư, Trưởng ban chỉ đạo, đánh giá có nhiều điểm sáng, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh rất lớn.

Các đại biểu tham dự hội nghị

gia hân

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, mặc dù đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, nhưng công tác phát hiện, xử lý án tham nhũng tiếp tục có những bước tiến mới.

Điểm nổi bật là đã chủ động nhận diện tội phạm, lựa chọn khâu đột phá để phát hiện, xử lý tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người”, điển hình là các vụ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, chứng khoán, đất đai.

"Nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, nhưng đều được phát hiện, điều tra làm rõ, điển hình là vụ Công ty Việt Á, vụ Tân Hoàng Minh, FLC...", ông Ngọc cho hay.

Ông Ngọc cũng cho biết, qua công tác điều tra đã làm rõ yếu tố tư lợi và khẳng định các sai phạm mang tính chất cá nhân, các đối tượng đã “tâm phục, khẩu phục”, nhận thức rõ sai phạm, ăn năn, hối lỗi, tự nguyện khắc phục hậu quả và hợp tác mở rộng vụ án, thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước, nhiều vụ án thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt.

"Một số trường hợp vẫn chưa biết sợ"

Đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp, bài học kinh nghiệm nêu ra tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá, thực tiễn 10 năm vừa qua cho thấy mặc dù đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, tuy nhiên "một số trường hợp vẫn chưa biết sợ".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự hội nghị

nhật bắc

Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, tháng 4.2020, khi mới bắt đầu bùng phát đại dịch Covid-19, chúng ta đã xử lý vụ Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.

"Lúc đó, Thường trực Ban Chỉ đạo đã cân nhắc rất kỹ giữa phòng, chống dịch với xử lý cảnh tỉnh. Tuy nhiên, vừa qua chúng ta vẫn phải xử lý vụ Việt Á. Điều này cho thấy sự chưa biết sợ của một nhóm đối tượng nào đó", ông Ngọc nói.

Từ đó, ông Ngọc kiến nghị các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nếu không được giám sát, kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đều có nguy cơ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Vì vậy, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong nội bộ các cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện, xử lý các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn.

Bên cạnh đó, cùng việc tập trung xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, cần làm tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

"Trước mắt, những văn bản pháp luật đang có sơ hở, dễ bị lợi dụng cần rà soát thông báo công khai thời gian sửa đổi để mọi người biết, cảnh giác khi áp dụng", ông Ngọc kiến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.