Sáng 19.2, tại họp báo công bố luật Đất đai sửa đổi vừa được thông qua tại kỳ họp bất thường thứ 5 Quốc hội khóa XV, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo giải đáp câu hỏi liên quan tới việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho đất không giấy tờ trước 1.7.2014.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân nhấn mạnh, quá trình cấp sổ đỏ, nhất là các trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng thì căn cứ thực tế sử dụng đất và lịch sử quản lý đất đai là điều hết sức quan trọng.
Theo Thứ trưởng TN-MT, hơn ai hết, chỉ có cán bộ trực tiếp gắn bó với người dân, trực tiếp nắm quỹ đất ở địa phương, trực tiếp quản lý di biến động của đất đai trong suốt quá trình sử dụng đất đai mới nắm được việc này.
"Chúng ta phải khẳng định, khi cấp giấy chứng nhận cho người dân mà để xảy ra tranh chấp, phức tạp hơn càng không nên", Thứ trưởng Lê Minh Ngân nêu rõ. Theo ông, phải đảm bảo không có tranh chấp mới đảm bảo sử dụng ổn định, nghĩa là được sử dụng vào mục đích, thời gian nhất định.
Quốc hội thông qua luật Đất đai sửa đổi
Với vấn đề làm sao để thuận lợi cho người dân trong cấp sổ đỏ, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nói luật Đất đai sửa đổi đã nêu ra điều kiện mới về chính sách, còn lại là việc tổ chức thực hiện và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Trong đó, luật Đất đai đã quy định rõ về chính sách, điều kiện để đất không giấy tờ được cấp sổ đỏ là phải có đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp, được UBND cấp xã xác nhận.
Thứ hai là yếu tố thực hiện thì chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, thậm chí các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải xem xét việc thực hiện có gây khó khăn cho người dân không.
Theo ông Lê Minh Ngân, việc này không quy định cụ thể trong luật, nhưng trong nghị định hướng dẫn, Bộ TN-MT sẽ đưa vào trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ trong trường hợp đất không giấy tờ để hạn chế tối đa gây khó khăn, phiền hà cho người dân.
Cạnh đó, yếu tố quan trọng, theo Thứ trưởng Bộ TN-MT, là ý thức của người dân phải đảm bảo việc đề xuất cấp sổ đỏ đúng pháp luật, không để xảy ra mâu thuẫn xã hội trong quá trình thực hiện chính sách.
"Đây là chính sách rất tốt vừa kế thừa của các luật Đất đai trước đây và căn cứ vào thực tiễn hiện nay. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện các chính sách dưới luật, đồng thời, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở T.Ư sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để giám sát việc thực thi chính sách cho tốt", Thứ trưởng Bộ TN-MT khẳng định.
Chuẩn bị cơ sở xây dựng bảng giá đất mới
Với các băn khoăn về việc đảm bảo bảng giá đất mới sẽ được xây dựng và áp dụng từ 1.1.2026, ông Ngân nói trong quá trình xây dựng luật đã thảo luận rất kỹ, ngay cả vấn đề bảng giá đất quy định hàng năm hay 5 năm như luật Đất đai năm 2013.
Tuy nhiên, sau khi đã đánh giá rất kỹ lưỡng, qua nhiều lần họp, phân tích, Quốc hội đã thông qua và giữ nguyên phương án như đã trình là bảng giá đất sẽ ban hành năm.
Để chuẩn bị cơ sở xây dựng bảng giá đất mới, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nói, luật cũng đã quy định cụ thể về quá trình chuyển tiếp.
Theo đó, năm 2025 vẫn sử dụng bảng giá đất của luật Đất đai 2013, có điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo phù hợp với giá đất thị trường theo nguyên tắc định giá đất của luật Đất đai sửa đổi 2024.
Với bảng giá đất mới từ 1.1.2026, luật Đất đai sửa đổi 2024 quy định bảng giá đất xác định theo khu vực, vị trí. Cụ thể, với các khu vực, địa phương đã có bản đồ địa chính, cơ sở dữ liệu về giá đất thì bảng giá đất xác định đến thửa đất, theo giá trị thửa đất đó.
"Khi xây dựng bảng giá đất trên cơ sở dữ liệu đất đai đến tận thửa đất và thửa đất chuẩn, được điều chỉnh, bổ sung kịp thời thì có thể sử dụng bảng giá đất để áp dụng cho giá đất cụ thể", ông Ngân thông tin.
Ông Ngân nhìn nhận, quy định này khuyến khích các địa phương tăng cường đầu tư kinh phí, nhân lực, giải pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo luật. "Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng xong cơ sở dữ liệu đất đai", ông Ngân nói thêm.
Luật Đất đai sửa đổi 2024 quy định bảng giá đất mới để công bố và áp dụng từ ngày 1.1. 2026. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
Dù vậy, nhiều ý kiến băn khoăn cơ sở dữ liệu về đất đai nói chung, dữ liệu đầu vào để có thể xây dựng được bảng giá đất chuẩn hiện nay còn "rất mỏng", gần như chưa có gì chắc chắn để thực hiện được ngay.
Bình luận (0)