Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm, thống kê số thu thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thông báo năm nay riêng các nền tảng số xuyên biên giới đăng ký nộp thuế đã thu được 8.000 tỉ đồng, có những doanh nghiệp nộp tương ứng 10% doanh thu, có những doanh nghiệp tương ứng 5%.
"Như vậy, chỉ riêng khu vực trên mạng, nội dung số doanh thu quảng cáo khoảng 4 tỉ USD, trong đó 70% là nước ngoài, chúng ta chỉ thu được phần nhỏ", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
"Xâm lăng văn hóa" vào tận phòng ngủ gia đình
Ông Lâm cũng đề xuất, cần sớm có phương thức và mô hình phát triển. Mặc dù trong báo cáo của Bộ VH-TT-DL có rất nhiều nội dung và chi tiết nhưng thiếu phần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế dù các nước xung quanh chúng ta có rất nhiều tương đồng về văn hóa, cách làm, xuất phát điểm có thể tham khảo.
Đặc biệt, trong những quyết sách tới đây, Nhà nước cần thúc đẩy công nghiệp văn hóa bằng biện pháp tham gia thị trường như là một khách hàng lớn của văn hóa, là khách hàng khó tính nhưng cũng là khách hàng sòng phẳng có đủ nguồn lực để trang trải.
"Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến thực trạng gọi là "xâm lăng văn hóa", vào tận phòng ngủ của mỗi gia đình, hiện diện trên điều khiển tivi, xem YouTube, các kênh nước ngoài dễ hơn truyền hình Việt Nam", ông Lâm cho hay.
Để lập lại trật tự và cân bằng ở lĩnh vực này, từ năm 2024, Bộ TT-TT đề nghị tất cả các nền tảng ti vi thông minh của Việt Nam phải cài sẵn các ứng dụng (app) về báo chí, truyền hình. Tới đây, nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ TT-TT và Bộ VH-TT-DL sẽ phối hợp đề xuất có quyết định của Thủ tướng bắt buộc cài sẵn ứng dụng nền tảng OTT lên các sản phẩm thiết bị thông minh.
"Chúng tôi kêu gọi sự tham gia của Bộ Công thương ở lĩnh vực này. Bộ TT-TT sẽ sớm đề xuất một số thể chế, đặc biệt trong hồ sơ đề nghị sửa đổi luật Báo chí lần này đưa chính sách xuất khẩu các sản phẩm văn hóa thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình trên không gian số", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu.
Nhà nước cần đặt hàng cho cơ quan báo chí
Còn theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho biết theo Statista, doanh thu quảng cáo của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỉ USD, đứng thứ 5/11 quốc gia ASEAN. Dự kiến năm 2023 sẽ đạt khoảng 2,144 tỉ USD, cho thấy quảng cáo Việt Nam có tiềm năng và dư địa rất lớn.
Trong vòng 5 năm tới, xu hướng chuyển đổi số và sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data; điện toán đám mây… sẽ định hình lại ngành quảng cáo, nói cách khác ngành quảng cáo số sẽ lên ngôi.
Tuy nhiên, bản thân ngành quảng cáo trong nước lại đang đứng trước nhiều thách thức. Phần lớn doanh nghiệp hoạt động theo bản năng, trào lưu, thiếu sự phân tích dữ liệu thị trường, thiếu sự liên kết với nhau, nguồn nhân lực thiếu, kết quả không đạt được như mong đợi và khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Sơn cũng đề xuất sửa luật Quảng cáo (có hiệu lực từ năm 2013), sau 10 năm thực hiện, đã nảy sinh nhiều bất cập. Việc quảng cáo ngoài trời dù Bộ VH-TT-DL đã chỉ đạo về định hướng, chủ trương, nhưng các địa phương vẫn chưa thực sự quán triệt tinh thần.
"Hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, vẫn trong giai đoạn xem xét. Một đơn vị muốn đặt biển quảng cáo phải xin 10 văn bản khác khau", ông Sơn nêu.
Về quảng cáo báo chí, truyền hình, phát thanh, khi thị phần quảng cáo sụt giảm vì hình thức quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội đang là xu thế, các cơ quan báo chí, truyền hình rất khó tồn tại và phát triển. Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn.
Ngoài việc rà soát, quy hoạch lại báo chí, cần các đơn đặt hàng của Chính phủ cho các cơ quan báo chí cũng chính là một trong những nguồn kinh phí cứu cánh để các cơ quan báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sớm điều chỉnh định mức phù hợp với tình hình hiện tại.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang dựa vào nền tảng của nước ngoài là chính nên gây khó khăn trong việc quản lý và gây thất thoát nhiều cho ngân sách của Nhà nước.
Một trong những yêu cầu cấp bách là cần định danh các tài khoản cá nhân, tổ chức kinh doanh quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội mà không chịu nộp thuế cho Nhà nước. Việc này cần có sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước với bộ, ngành liên quan để thực hiện, nhằm tăng thu ngân sách và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các đơn vị hoạt động quảng cáo nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Bình luận (0)