Thứ trưởng Y tế: Vụ việc tại Viện Pháp y tâm thần T.Ư Biên Hòa là sự cảnh tỉnh

19/06/2024 16:12 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận, sự việc xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần T.Ư Biên Hòa là sự cảnh tỉnh.

Trước việc lãnh đạo, các bác sĩ, nhân viên y tế Viện Pháp y tâm thần T.Ư Biên Hòa thuộc Bộ Y tế (đóng tại Đồng Nai) bị bắt, Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo và có các cuộc họp nhằm chấn chỉnh cũng như đưa ra giải pháp về công tác này.  

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, lĩnh vực giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh rất khó khăn, phức tạp, gặp nhiều vướng mắc và hạn chế cả về cơ sở vật chất, nhân lực. Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện bên cạnh yêu cầu không để xảy ra hành vi tiêu cực trong giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh. 

Thứ trưởng Y tế: Vụ việc tại Viện Pháp y tâm thần T.Ư Biên Hòa là sự cảnh tỉnh- Ảnh 1.

Giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh rất phức tạp, gặp nhiều vướng mắc và hạn chế cả về cơ sở vật chất, nhân lực

TL

"Vấn đề ở đây là khâu tổ chức triển khai thực hiện và ý thức của một số cá nhân chưa tốt nên dẫn đến vi phạm. Sự việc xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần T.Ư Biên Hòa là sự cảnh tỉnh để các đơn vị, cơ sở y tế tổ chức thực hiện", ông Tuyên nhìn nhận.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh, cùng với ký văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, thanh tra đột xuất về công tác giám định pháp y tâm thần, ông Tuyên đã có các cuộc họp trực tuyến với các đơn vị, yêu cầu quán triệt đến 100% cán bộ làm công tác giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh: khi thực hiện tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu của cơ quan tố tụng, của các tổ chức, cá nhân để giám định phải đảm bảo khách quan, trung thực, chính xác, đúng quy trình; tuân thủ đúng quy định của luật Giám định tư pháp và Thông tư số 23/2019/TT-BYT ngày 28.8.2019 của Bộ Y tế "Ban hành Quy trình giám định pháp y tâm thần và Biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần".

Viện Pháp y tâm thần T.Ư Biên Hòa: 'Tình hình cấp bách, không còn cán bộ làm việc'

Các giám định viên chỉ tiếp nhận giám định khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định; chỉ bàn giao kết luận giám định, đối tượng giám định cho các cá nhân, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị trong hệ thống giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh cần chủ động tham mưu Bộ Y tế đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu, nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu chuyên môn. 

Đồng thời, các giám định viên phải nâng cao bản lĩnh chính trị, nghiên cứu kỹ các văn bản luật, các quy trình chuyên môn của Bộ Y tế, đảm bảo ban hành các kết luận giám định khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát trong nội bộ đơn vị nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Thứ trưởng Y tế: Vụ việc tại Viện Pháp y tâm thần T.Ư Biên Hòa là sự cảnh tỉnh- Ảnh 2.

Sau khi lãnh đạo và một số bác sĩ Viện Pháp y tâm thần T.Ư Biên Hòa bị bắt, Bộ Y tế chấn chỉnh công tác chuyên môn

TNO

Nghiêm túc rút kinh nghiệm từ các trường hợp trốn viện đã xảy ra để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, quản lý. 

Xử lý nghiêm cá nhân, tập thể không thực hiện đầy đủ chức trách

Hội đồng Giám định và Hội đồng chuyên môn về pháp y tâm thần phải đảm bảo công tâm và khách quan, phát huy trách nhiệm, vai trò của Hội đồng chuyên môn để tư vấn cho Hội đồng giám định; rà soát, sắp xếp riêng khoa, khu, buồng điều trị đối với người bệnh bắt buộc chữa bệnh. Đối với các đơn vị đã thành lập khoa điều trị bắt buộc chữa bệnh, cần hạn chế thấp nhất việc để bệnh nhân tâm thần thông thường điều trị chung với người bệnh bắt buộc chữa bệnh; bố trí riêng khu bệnh nhân nam - nữ. 

Đối với các đơn vị chưa thành lập khoa điều trị bắt buộc: rà soát, củng cố đảm bảo đủ điều kiện và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý khoa, phòng, kíp trực, nhân viên y tế. 

Các đơn vị có thực hiện pháp y tâm thần rà soát các quy chế, quy định về quản lý ra vào khoa, phòng điều trị người bệnh bắt buộc chữa bệnh; nghiêm cấm, không được mang vào phòng điều trị các vật dụng không được phép; có hình thức xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tập thể không thực hiện, cố tình không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Cạnh đó, cần kiểm tra và khắc phục ngay hệ thống camera giám sát quản lý người bệnh; phối hợp với địa phương, gia đình người bệnh bắt buộc chữa bệnh nhằm đảm bảo trong việc bàn giao bệnh nhân sau khi ổn định bệnh, kiên quyết không để tồn đọng bệnh nhân đã ổn định tại cơ sở bắt buộc chữa bệnh; rà soát, bổ sung quy chế người nhà thăm bệnh nhân tại cơ sở bắt buộc chữa bệnh hợp lý, phù hợp, đảm bảo công tác quản lý người bệnh. 

Đối với việc chuyển viện, chuyển tuyến khám chuyên khoa tại các bệnh viện chuyên khoa: nghiêm túc thực hiện theo quy định tại Quyết định số 5091/QĐ-BYT ngày 7.12.2020 của Bộ Y tế về quy trình tiếp nhận, điều trị và quản lý người chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh. 

Khi người bệnh bắt buộc chữa bệnh lợi dụng bỏ trốn, các đơn vị phải báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 8), cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bệnh nhân và sở y tế nơi cơ sở chuyên khoa đóng trụ sở để kịp thời hướng dẫn xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.