Văn phòng Chính phủ ngày 9.6 có văn bản số 4245/VPCP-CN do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục ký gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng nghiên cứu, có giải pháp phục hồi thị trường bất động sản. Trước đó, Cổng thông tin điện tử Chính phủ có văn bản số 331/2023/TTĐT ngày 7.6 báo cáo Thủ tướng về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành đề cập đến bài báo trên Thanh Niên ngày 6.6.2023 phản ánh chỉ còn 30 - 40% môi giới bất động sản làm việc.
Trong bài viết ngày 6.6 Chỉ còn 30 - 40% môi giới bất động sản làm việc đã nêu thực trạng các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng "vùng vẫy, quẫy đạp" và sẵn sàng "bấu víu" vào bất cứ chiếc phao cứu sinh nào. Tuy nhiên, những chiếc phao để cứu thị trường mà Chính phủ đưa ra vẫn chưa đến được với doanh nghiệp. Trong khi sức chống đỡ của các doanh nghiệp có giới hạn, nếu không "ngoi lên" kịp thời, chắc chắn sẽ bước sang giai đoạn "sặc nước, ngừng thở" đồng loạt. Thống kê cho thấy số lượng môi giới hoạt động chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022.
Nguồn cung trong quý 1/2023 sụt giảm thê thảm. Đồng thời tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường trong quý 1/2023 chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Về doanh thu, hơn 90% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu quý 1/2023 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có tới 39% doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm tới 20 - 50% và 61% sụt giảm trên 50% so với cùng kỳ. Thậm chí một số doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu lên tới 70 - 80%.
Quá khó khăn đã khiến trên 95% doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động hơn 20% so với quý 2/2022.
Nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động được tới hết quý 3/2023 và chỉ khoảng 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm nay.
Bình luận (0)