Bình Thuận có vị trí giáp ranh các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu; phía Đông nam giáp Biển Đông.
Theo quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn 2021 - 2030; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực Duyên hải Trung bộ có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng và quốc gia gắn với các đô thị biển hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao so với vùng và cả nước; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc.
Về hệ thống đô thị, đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận có 16 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II là TP.Phan Thiết, 1 đô thị loại III (TP.La Gi), 3 đô thị loại IV (Phan Rí Cửa, Liên Hương và Võ Xu), 11 đô thị loại V (Vĩnh Tân, Chợ Lầu, Lương Sơn, Ma Lâm, Thuận Nam, Tân Nghĩa, Tân Minh, Sơn Mỹ, Lạc Tánh, Đức Tài và đảo Phú Quý).
Đáng chú ý, quy hoạch tỉnh Bình Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ, trong quá trình nghiên cứu, triển khai các dự án cụ thể, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc xác định vị trí, diện tích, quy mô, công suất dự án, phân kỳ đầu tư dự án, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn và theo đúng các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
Các dự án, công trình đang được rà soát, xử lý theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán và thi hành các bản án (nếu có) chỉ được triển khai thực hiện sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án (nếu có) và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm phù hợp các quy định hiện hành...
"Quy hoạch tỉnh Bình Thuận là căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công hằng năm, trung hạn; xây dựng Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ tới; đồng thời, định hướng kêu gọi và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh", ông Nguyễn Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nói với PV Thanh Niên.
Bình luận (0)