Vùng Đông Nam bộ gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh. Đông Nam bộ có diện tích 23.551 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước; dân số khoảng 18,8 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước (năm 2022).
Ngày 11.7, Thủ tướng ký quyết định số 825 về thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ. Theo quyết định, Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó chủ tịch thường trực, các Phó chủ tịch gồm bộ trưởng các bộ: GTVT, KH-CN, Xây dựng và TN-MT. Thành viên hội đồng là lãnh đạo một số bộ ngành và Chủ tịch UBND 6 tỉnh, thành trong vùng.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá dù đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nhưng phát triển vùng Đông Nam bộ đã và đang đối mặt với nhiều thách thức và còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Mạng lưới kết cấu hạ tầng nội vùng và liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ, chênh lệch về phát triển giữa các địa phương trong vùng chưa được rút ngắn; liên kết trong vùng vẫn còn hạn chế, chưa thực chất và hiệu quả.
Xây dựng không gian kinh tế thống nhất chưa hiệu quả, nguồn lực bị phân tán; lợi ích kinh tế của từng địa phương bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí còn cạnh tranh nhau, làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng. Các vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, úng ngập cục bộ tại TP.HCM và một số địa phương trong vùng chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hội đồng điều phối vùng không phải là một cấp hành chính nhưng là mô hình tổ chức hiệu quả để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của vùng như các hoạt động liên kết theo 6 lĩnh vực.
Đặc biệt, hội đồng cũng tập trung giải quyết các bất cập mà một địa phương trong vùng không thể giải quyết được như giao thông liên vùng, ùn tắc giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường…
Giao thông có vai trò chiến lược
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về 10 nhóm giải pháp để phát triển quy hoạch vùng Đông Nam bộ.
Trong đó, các cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Vừa qua, một số dự án đã triển khai như Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Sắp tới, cần tiếp tục triển khai dự án đường Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Chơn Thành - Gia Nghĩa với chủ trương phân cấp cho địa phương thực hiện và có sự điều phối chung.
Vấn đề thứ 2 được ông Nguyễn Chí Dũng đề nghị cần quan tâm là giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn cùng với việc đẩy mạnh hạ tầng giao thông và phương tiện công cộng, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh.
Hiện nay, mật độ dân số ở TP.HCM là 4.292 người/km2 (trong khi Hà Nội chỉ là 2.398 người/km2, vùng Đông Nam bộ là 795 người/km2, trung bình cả nước là 320 người/km2), dẫn tới chất lượng môi trường sống của dân cư đô thị thấp.
Một số giải pháp khác được cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối vùng đưa ra gồm phát triển hệ thống logistic gắn với cảng biển, cảng hàng không; thu hút đầu tư các dự án có giá trị gia tăng cao; đảm bảo an ninh nguồn nước; đề xuất các cơ chế đặc thù của vùng Đông Nam bộ; huy động vốn đầu tư công thông qua hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng…
Là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, vùng Đông Nam bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước; GRDP bình quân đầu người của vùng Đông Nam bộ gấp 1,64 lần cả nước; tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 66,5%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước.
Bình luận (0)