Sáng 8.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ lưu học sinh và cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Trùng Khánh, nhân chuyến công tác tại Trung Quốc.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết hiện có khoảng gần 400 lưu học sinh và gần 600 người Việt sống tại Trùng Khánh. "Dù sống xa quê hương nhưng cộng đồng luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau và hướng về quê hương đất nước", ông Phạm Sao Mai nói.
Chị Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Trùng Khánh và Tứ Xuyên chia sẻ Hội được thành lập năm 2022 với mục đích chung tay xây dựng ngôi nhà chung, cộng đồng bà con giúp đỡ nhau cùng phát triển, kế thừa nền văn hóa Việt Nam ở nước bạn.
Chia sẻ về khó khăn trong hoạt động, chị Lan nhắc đến việc duy trì nề nếp, ngôn ngữ và văn hóa truyền thống cho các kiều bào trẻ sinh ra và lớn lên tại nước sở tại, cũng như việc thu hút nguồn lực kiều bào trong đầu tư thương mại.
Anh Trần Văn Đạt, nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Trùng Khánh, Hội trưởng Hội lưu học sinh Việt Nam tại Trùng Khánh, cho biết số lượng du học sinh tại đây có khoảng 400 người, tập trung chủ yếu ở các trường đại học lớn, đa phần đều nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc.
Sống và học tập tại Trùng Khánh, anh Đạt cho biết các du học sinh được tiếp cận với công nghệ hiện đại nhất về giao thông như tàu điện ngầm, tàu cao tốc. Đây cũng là nơi có cơ sở hạ tầng hiện đại, thu hút khách du lịch. Dù vậy, theo anh Đạt, các du học sinh cũng gặp một số khó khăn về rào cản ngôn ngữ và văn hóa ẩm thực, thêm nữa là chi phí sinh hoạt ở đây khá cao.
Do đó, anh Đạt mong Nhà nước có chính sách như học bổng cho sinh viên xuất sắc có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, mong muốn Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy giao lưu kinh tế giúp các lưu học sinh có thêm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Phải tự lực, tự cường vươn lên
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ xúc động khi vừa đến sân bay Trùng Khánh tối qua đã được các lưu học sinh và cộng đồng người Việt đón chào rất nồng hậu.
Thông tin về tình hình trong nước, Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam có lẽ là đất nước chịu nhiều hy sinh, mất mát nhất trong chiến tranh, bao vây, cấm vận. Tuy nhiên, nhờ đường lối đổi mới, sau gần 40 năm, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, mở ra quan hệ với nhiều nước trên thế giới.
"Trước đây, Việt Nam bị bao vây cấm vận nên đi đâu cũng khó khăn. Nhưng ngày nay, chúng ta đi đâu cũng được quý trọng vì vị thế của đất nước đã khác, vì sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước sau quá trình đổi mới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cho biết giai đoạn đầu đổi mới, quy mô nền kinh tế chỉ 4 tỉ USD, bình quân đầu người chỉ có 100 USD. Tới năm 2023, sau gần 40 năm, quy mô nên kinh tế đã vươn lên 433 tỉ USD, xếp thứ 34 trên thế giới. Thủ tướng cho hay, nếu năm nay tăng trưởng đạt 7%, Việt Nam có thể vươn lên xếp thứ 33 thế giới.
Thủ tướng khẳng định trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức, Việt Nam đã tự lực tự cường đi lên bằng sức mạnh nội sinh, để phấn đấu có vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong khu vực và trên thế giới như ngày nay.
"Nói thế để thấy sự vươn lên, trỗi dậy mạnh mẽ của dân tộc ta", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, hiện nay chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, đất nước đang bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định.
Thủ tướng cũng cho biết, đất nước đang tiếp tục thực hiện 3 trụ cột chính, gồm: xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Định hướng xuyên suốt Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là "lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng cho biết hiện có hơn 6 triệu người sinh sống, học tập và làm việc ở hơn 130 nước. Đây là cộng đồng rất mạnh, ngoài là cầu nối giữa Việt Nam và thế giới, còn đóng góp lớn cho sự phát triển đất nước, chỉ riêng kiều hối năm 2023 đạt 14 tỉ USD.
Chia sẻ áp lực về tài chính với các lưu học sinh, Thủ tướng cho biết sẽ giao Bộ GD-ĐT nghiên cứu chính sách hỗ trợ. Việc giữ gìn văn hóa Việt Nam và tiếng Việt cho kiều bào cũng sẽ được các cơ quan tính toán kế hoạch cụ thể.
Thủ tướng mong cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung và ở Trùng Khánh nói riêng luôn phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Với các lưu học sinh, Thủ tướng mong muốn các bạn sẽ học tập tốt, có hoài bão, có ước mơ, có khát vọng, có lý tưởng, vì "đây là những thứ không thể thiếu".
"Khó khăn lúc nào cũng nhưng phải luôn luôn nỗ lực, phấn đấu, có hoài bão, ước mơ, khát vọng, lý tưởng. Chúng ta không thua một dân tộc nào cả, phải tự lực, tự cường vươn lên, làm chủ công nghệ, cuộc sống. Làm việc ở đâu cũng được, ở đâu tốt nhất, có thể phát huy năng lực, có điều kiện giúp đỡ gia đình, bạn bè, Tổ quốc đều được", Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời mong muốn mỗi công dân Việt Nam tại đây sẽ là cầu nối hữu nghị quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bình luận (0)