Chi tiêu đi lại, điện nước, xe cộ cần siết chặt hơn
Chiều 24.7, thảo luận tại tổ, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, về báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ năm 2020, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện chúng ta đã hoàn thiện thể chế trong vấn đề này song “ai cũng thấy có những cái còn lãng phí”.
Theo Thủ tướng, trong vấn đề này, cần giáo dục, nâng cao nhận thức vừa phải có thể chế, kỷ luật, kỷ cương thì mới có thể tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả.
“Nhất là các đồng chí ở tỉnh biết rồi. Kể cả khi hạch toán ngân sách, tôi thấy chúng ta phải chú ý vấn đề chi kinh tế có tính chất sự nghiệp, sửa sang đường xá… Những cái này có sơ hở về thể chế, quy định, và từ sơ hở này dễ bị tác động theo chiều hướng này, chiều hướng kia”, Thủ tướng lưu ý và cho biết, ngay cả việc chi tiêu đi lại, điện nước, xe cộ cũng cần siết chặt hơn.
Thủ tướng cho hay, Nghị quyết 45 của Chính phủ hồi tháng 5 vừa qua khẳng định sẽ tiết kiệm 10% chi tiêu thường xuyên trong những tháng còn lại của năm 2021 để chi cho phòng chống dịch Covid-19 và những vấn đề đột xuất, bất ngờ.
“Chúng tôi đề nghị anh Phớc (Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Tài chính - phóng viên), phải tính toán ngay từ khi cấp ngân sách. Tất nhiên, các tỉnh thành tự lực được ngân sách cũng theo tinh thần này. Song song với thể chế, kỷ luật chi tiêu, kỷ luật xây dựng ngân sách phải được quan tâm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
"Cái gì cũng một tí, một tí thì kéo dài, thì không tạo ra động lực”
Về vấn đề chống lãng phí, Thủ tướng chia sẻ với nhiều ý kiến về việc nhiều dự án đầu tư còn kéo dài, gây lãng phí.
“Sáng nay, khi thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, các đồng chí nói rất đúng. Trong đánh giá của Chính phủ cũng như thẩm tra của các ủy ban đều khẳng định các dự án chia cắt, manh mún, kéo dài. Chính cái này là cái lãng phí”, Thủ tướng nêu rõ và cho biết, Chính phủ cũng đang suy nghĩ về giải pháp khắc phục.
Ông cho biết, với số vốn đầu tư công 5 năm tới là 2,87 triệu tỉ đồng, “chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của các địa phương, bộ, ngành đưa lên” vì ngành nào, địa phương nào cũng muốn có các dự án dẫn đến manh mún, lãng phí.
“Tôi nhớ năm 2011, tôi làm Bí thư Tỉnh ủy (Quảng Ninh - phóng viên), cho HĐND rà soát lại, có 3.650 dự án mà đầu tư phát triển chỉ có 3.000 tỉ thôi, tức là một dự án chưa được 1 tỉ. Nó manh mún, chia cắt, không được cái gì lớn cả. Quan trọng nhất là kéo dài và hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) rất lớn”, Thủ tướng nói và cho rằng, đây chính là chỗ lãng phí nguồn lực.
“Vừa qua, các tỉnh có lên trao đổi với tôi. Có những con đường 400 - 500 tỉ thôi mà 13 đời bộ trưởng rồi vẫn chưa xong. Lần này nếu bố trí như thế này cũng chưa xong”, ông nói và cho biết, chính những dự án kéo dài đã gây lãng phí không nhỏ.
Thủ tướng cho biết, khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, các bộ, ngành địa phương trình lên 11.100 dự án nhưng Chính phủ đã quyết định là rà soát cắt còn dưới 5.000 và còn cắt nữa.
“Mấy ngày nay các đại biểu Quốc hội phát biểu và chúng tôi có cơ sở để tiếp tục cắt nữa. Đặc biệt là những dự án chưa được phê duyệt. Nếu dự án cứ chia cắt, manh mún thì không làm được cái gì lớn. Cái gì cũng một tí, một tí thì kéo dài, thì không tạo ra được động lực”, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Lãng phí chính là ở chỗ này và chỉ số ICOR ở nước ta vào loại rất cao, nước ta phấn đấu nhiều năm chưa kéo xuống được. Người ta đầu tư 3 đồng thu lại 1 đồng, nhiều lắm là 4 đồng thu lại 1 đồng. Ta hiện nay là 6,3 đồng mới thu được 1 đồng. Cái này lãng phí và kéo dài thời gian, làm cho nguồn lực bị hao hụt”, ông nói và cho biết, rà soát các dự án đầu tư, đổi mới việc chỉ đạo lãnh đạo, kiểm soát tiến độ công trình sẽ là giải pháp để cải tiến được vấn đề chậm trễ trong đầu tư.
Bình luận (0)