Thủ tướng “đặt hàng” ngành KH-ĐT 10 vấn đề trọng tâm

01/01/2021 06:45 GMT+7

Nhấn mạnh thể chế là yếu tố quyết định cho sự tăng trưởng đột phá của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Bộ KH-ĐT cần tham mưu như thế nào để thể chế, pháp luật và chính sách trở thành đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam hiện nay cũng như trong những năm tới.

Đó là một trong những vấn đề trọng tâm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc “đặt hàng” ngành kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành KH-ĐT (31.12.1945 - 31.12.2020), tổ chức hôm qua 31.12.2020 ở Hà Nội.

Đóng góp rất lớn vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết cách đây đúng 75 năm, ngày 31.12.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, tiền thân của Bộ KH-ĐT. Qua quá trình 75 năm xây dựng và phát triển với nhiều lần đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động và tên gọi, như Ủy ban Kế hoạch quốc gia, Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Ủy ban Về hợp tác và đầu tư, Bộ KH-ĐT, hệ thống cơ quan Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê từ T.Ư đến địa phương được hình thành, phát triển và ngày càng được củng cố, tăng cường trên cả nước. Suốt 75 năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động ngành KH-ĐT luôn thể hiện tinh thần tận tụy, trung thành, bản lĩnh vững vàng; là người lính xung kích trong đổi mới tư duy kinh tế, những người có tư duy nhạy bén, sắc sảo, nắm bắt nhanh các vấn đề mới; tiên phong trong đổi mới sáng tạo; là tổng tham mưu trưởng trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước..., hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Hơn ai hết, Bộ KH-ĐT phải có tầm nhìn xa hơn các bộ ngành khác, phải là Bộ đi đầu trong đổi mới tư duy và lan tỏa tư duy đổi mới sang các bộ ngành khác và các địa phương trong cả nước

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Khái quát các thành tích nổi bật của ngành KH-ĐT, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đây là ngành được tin tưởng giao trọng trách chủ trì xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH qua các thời kỳ; luôn nghiêm túc, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với tư duy đổi mới, đột phá trong cải cách thể chế kinh tế phù hợp với các giai đoạn phát triển của đất nước; là cơ quan được giao nhiều đề án quan trọng nghiên cứu các mô hình, định hướng phát triển của đất nước, bảo đảm chất lượng, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao; luôn đi đầu trong nghiên cứu, triển khai các mô hình kinh tế mới, đột phá như Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế...; chủ động nghiên cứu, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá, cải cách trong quản lý nhà nước về đầu tư, đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư toàn xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; phát triển doanh nghiệp; đổi mới, tăng cường phân cấp quản lý kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần khơi thông các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước; đổi mới và đi tiên phong cả về tư duy và hành động, hành động trách nhiệm và hiệu quả để tham mưu, đề xuất những chính sách, giải pháp điều hành KT-XH kịp thời cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước... “Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương những thành tích, nỗ lực cố gắng của Bộ KH-ĐT và toàn thể ngành KH-ĐT. Sự cố gắng nỗ lực của các đồng chí đã đóng góp rất lớn vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH chung của đất nước trong 75 năm thành lập và phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, bất cập của Bộ KH-ĐT cũng như ngành KH-ĐT. Trong đó, một số công việc vẫn chưa tập trung giải quyết, quyết liệt xử lý trong công tác xây dựng, triển khai và giám sát thực hiện chính sách; một số giải pháp đưa ra chưa bảo đảm tính khả thi hoặc chưa kịp thời trước những biến động nhanh, phức tạp của tình hình quốc tế, trong nước; vẫn còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định pháp luật và bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý đầu tư công…

Phải đi đầu trong đổi mới tư duy

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nêu Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. “Năm 2045 cũng là thời điểm kỷ niệm 100 năm ngành KH-ĐT. Câu hỏi đặt ra là, tầm nhìn của ngành KH-ĐT sẽ thế nào vào năm 2045? Vai trò và chức năng của Bộ KH-ĐT sẽ như thế nào trong những thập niên tới?”, Thủ tướng nêu vấn đề và kỳ vọng: “Hơn ai hết, Bộ KH-ĐT phải có tầm nhìn xa hơn các bộ ngành khác, phải là Bộ đi đầu trong đổi mới tư duy và lan tỏa tư duy đổi mới sang các bộ ngành khác và các địa phương trong cả nước”.
Mời bạn đọc xem toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng trên Thanhnien.Việt Nam
Thủ tướng cũng mong muốn Bộ KH-ĐT, với tư cách là Bộ Tổng tham mưu, phải hiến kế để đạt được sự bứt phá trong các mục tiêu KT-XH năm 2021 cũng như những giai đoạn tiếp theo gắn với những mục tiêu và tầm nhìn đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Theo đó, Thủ tướng nêu một số vấn đề trọng tâm mà ngành KH-ĐT cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới bao gồm:
Thứ nhất: Chúng ta từng nói “Thể chế - Thể chế - Thể chế”, nhấn mạnh thể chế là yếu tố quyết định cho sự tăng trưởng đột phá của đất nước. Bộ KH-ĐT cần tham mưu như thế nào để thể chế, pháp luật và chính sách trở thành đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam hiện nay cũng như trong những năm tới?
Thứ hai: Làm thế nào để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hơn nữa để đưa nền kinh tế đất nước vững bước tiến lên? Làm sao để tài nguyên đổi mới sáng tạo trở thành một tài nguyên mới và vô tận cho sự phát triển bền vững?
Thứ ba: Làm sao để Việt Nam tránh được các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, và thậm chí cả bẫy rác thải công nghệ?
Thứ tư: Làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển? Làm sao để tạo ra tăng trưởng bao trùm hơn nữa, để mọi người dân thoát nghèo, để giảm nghèo đa chiều bền vững?
Thứ năm: Làm sao để cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội một cách đầy đủ, kịp thời và xuyên suốt nhất? Chẳng hạn, làm thế nào để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết 10 của T.Ư? Làm sao để thu hút được dòng vốn FDI có chất lượng theo tinh thần Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị?
Thứ sáu: Làm sao tận dụng được cơ cấu dân số vàng, cần có giải pháp gì tận dụng tốt các cơ hội và nguồn lực con người từ cơ cấu dân số trẻ để phát triển đất nước, để xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc?
Thứ bảy: Làm sao để vừa phát triển mạnh mẽ tầng lớp trung lưu nhưng đồng thời vẫn mang lại quyền lợi cho người lao động, cho nhân dân, không làm tăng sự phân hóa trong xã hội?
Thứ tám: Đề xuất cơ chế phân cấp, phân quyền phù hợp, đồng thời gắn với cơ chế liên kết vùng (cả về cơ chế, tổ chức, tài chính, quản trị...). Yêu cầu đặt ra là làm thế nào để các vùng không bị cát cứ như thời gian qua (cát cứ nội vùng và liên vùng), không triệt tiêu động lực và lợi thế cạnh tranh của nhau, phát huy được lợi thế kinh tế nhờ quy mô toàn vùng?
Thứ chín: Làm sao để tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số? Làm sao để cuộc cách mạng này lan tỏa rộng khắp nền kinh tế và phát huy hiệu quả tốt nhất ở nước ta?
Cuối cùng, nhưng không kém vai trò quan trọng, là Bộ KH-ĐT cần chủ trì tham mưu và chuẩn bị sẵn các điều kiện, yếu tố nền tảng cần thiết để ngay khi Đại hội Đảng lần thứ XIII kết thúc, tinh thần Nghị quyết của Đại hội phải ngay lập tức đi vào thực tiễn đời sống xã hội? Về mặt định hướng, cần phải tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với sự kiên định và nhất quán trong thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.