Thủ tướng: Đầu tư công càng kéo dài càng lãng phí

21/02/2023 09:13 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu vừa bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, vừa bảo đảm chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án. Nếu không có giải pháp phù hợp từ ngày đầu, tháng đầu thì giải ngân vốn đầu tư công cả năm sẽ chậm.

Sáng 21.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. 

Thủ tướng: Đầu tư công càng kéo dài càng lãng phí - Ảnh 1.

Thủ tướng cho biết giải ngân đầu tư công là vấn đề trăn trở kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ

NHẬT BẮC

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nêu rõ, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, Việt Nam lại là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế khiêm tốn nhưng độ mở lớn, sức ép đến từ cả bên trong bên ngoài, Thủ tướng cho rằng phải giữ vững bản lĩnh, linh hoạt để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội. 

Một trong những giải pháp là thúc đẩy đầu tư công, giải ngân đầu tư công vừa là nguồn lực, vừa là động lực phát triển, song đây vẫn là nhiệm vụ nặng nề, triển khai khó khăn, là vấn đề trăn trở kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ.

Mục tiêu đạt ít nhất 95% tổng số 711.000 tỉ đồng

Năm 2023, Chính phủ xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương.

Giải ngân đầu tư công có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội…

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, cuộc họp; thành lập 6 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công và gần đây đã ban hành Nghị quyết số 124/NĐ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng, các phó thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành khi đi công tác địa phương đã dành nhiều thời gian đi thị sát, kiểm tra các dự án đầu tư công trọng điểm quốc gia, của tỉnh, thành phố.

Nhờ đó, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến ngày 31.1.2023 là 541.857 tỉ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103.000 tỉ đồng) so với năm 2021.

Công việc giải ngân vốn đầu tư công và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày càng nặng nề khi tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là gần 711.700 tỉ đồng, tăng hơn 130.000 tỉ đồng so với 2022.

Thủ tướng yêu cầu phải vừa bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, vừa bảo đảm đúng chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án. Nếu không có giải pháp phù hợp ngay từ ngày đầu, tháng đầu thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ chậm, đầu tư công càng kéo dài thì càng lãng phí, đội vốn, chỉ số ICOR tăng, hiệu quả giảm, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển.

Với khối lượng vốn đầu tư công lớn hơn hơn, yêu cầu cao hơn, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phải giải ngân đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2023.

Thủ tướng: Đầu tư công càng kéo dài càng lãng phí - Ảnh 2.

Mục tiêu năm 2023 phải giải ngân ít nhất 95% trong tổng số 711.000 tỉ đồng tổng kế hoạch vốn ngân sách năm

NHẬT BẮC

Thủ tướng đề nghị các đại biểu báo cáo, thảo luận về tình hình giải ngân; phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan; các bài học kinh nghiệm, giải pháp hay, cách làm tốt; định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; thống nhất nhận thức, tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động sau cuộc họp.

Gói phục hồi kinh tế năm 2022 vẫn rất chậm

Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao; ban hành 17/17 văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Giải ngân các chính sách hỗ trợ đến tháng 1.2023 ước đạt 80.800 tỉ đồng. Trong đó: cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.036 tỉ đồng, hỗ trợ lãi suất 878 tỉ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.744 tỉ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất đạt hơn 134 tỉ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí 52.623 tỉ đồng, hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất là 7.400 tỉ đồng.

Về chi đầu tư phát triển, trong tổng số vốn 176.000 tỉ đồng: Thủ tướng Chính phủ đã giao 147.138 tỉ đồng (94 nhiệm vụ, dự án); đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với số vốn 14.710 tỉ đồng (129 dự án). 

Đối với số vốn 14.151 tỉ đồng còn lại: các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang lấy ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ là 9.605 tỉ đồng, các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư là 1.214 tỉ đồng, các dự án chưa được thông báo vốn là 3.332 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, triển khai hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm so với yêu cầu đề ra, mới đạt 0,2% tổng nguồn lực, khả năng không giải ngân hết trong năm 2023.

Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2021 sau khi sử dụng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư 2.856 tỉ đồng, Bộ LĐ-TB-XH chưa đề xuất cụ thể phương án xử lý.

Còn 14.151 tỉ đồng kế hoạch vốn của Chương trình chưa được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trường hợp không giao kế hoạch trước ngày 31.3 sẽ không được tiếp tục thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.