Thủ tướng: Đầu tư vào Việt Nam để đôi bên cùng thắng

18/01/2025 06:20 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng, Chính phủ có trách nhiệm khắc phục các vướng mắc, hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát huy vai trò dẫn dắt, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.

Chiều 17.1 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Warsaw, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan.

Thủ tướng: Đầu tư vào Việt Nam để đôi bên cùng thắng - Ảnh 1.

Chính phủ hai nước có trách nhiệm khắc phục các vướng mắc tạo niềm tin cho các doanh nghiệp

Việt Nam là cầu nối gắn kết hợp tác giữa Ba Lan, EU với ASEAN

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với các giá trị cốt lõi bền chặt giữa Việt Nam và Ba Lan. Do đó hai bên có nhiều chuyện để bàn, nhiều việc phải làm với trách nhiệm và niềm vinh dự để không ngừng củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc, đất nước.

Thủ tướng đánh giá đến nay, các cơ chế hợp tác giữa hai nước đã được thiết lập, trong đó lớn nhất đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã đi vào thực thi và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) đang trong quá trình phê chuẩn.

Mặt khác, Thủ tướng cũng mong muốn Việt Nam là cầu nối, thúc đẩy, gắn kết hợp tác giữa Ba Lan, EU với ASEAN.

Đánh giá quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư chưa tương xứng mối quan hệ chính trị và ngoại giao tốt đẹp, chưa khai thác hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh hai nước, Thủ tướng cho rằng điều này có một phần trách nhiệm của các nhà lãnh đạo hai nước và việc kết nối hai nền kinh tế sẽ có cách làm mới, tiếp cận mới để đẩy mạnh kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Các doanh nghiệp phải tăng cường kết nối, thảo luận, làm việc, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển. Còn Chính phủ hai nước có trách nhiệm khắc phục các vướng mắc, hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát huy vai trò dẫn dắt, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.

Chia sẻ về những định hướng chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá", cắt giảm thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy về tổ chức, coi thể chế là nguồn lực, động lực, giải phóng nguồn lực sẽ góp phần làm giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp và người dân.

Theo Thủ tướng, Việt Nam tập trung phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cải cách tổ chức bộ máy bảo đảm "Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả" gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức; tăng cường phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, quốc tế; đa dạng hoá sản phẩm, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất để thâm nhập nhiều thị trường khác nhau.

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Ba Lan hãy tăng cường đến đầu tư tại Việt Nam để đôi bên cùng thắng.

Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn nhà đầu tư

Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Công nghệ Krystof Paszyk chia sẻ Ba Lan là điểm sáng về công nghệ và công nghiệp. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Ba Lan được coi là trung tâm công nghệ thông tin của châu Âu với các thành phố nổi danh như: Warsaw, Krakow, Wrolaw và Gdansk - nơi hội tụ nhiều công ty công nghệ lớn từ các startup đến các tập đoàn toàn cầu như: Google, IBM, Microsoft...

Thủ tướng: Đầu tư vào Việt Nam để đôi bên cùng thắng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Công nghệ Ba Lan Krystof Paszyk phát biểu

Ba Lan còn được biết đến là quốc gia có nhiều thành tựu về phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo như sản xuất ô tô, đóng tàu, sản xuất điện tử và máy móc thiết bị điện; công nghiệp khai khoáng, hóa dầu và chuyển đổi năng lượng với các giải pháp năng lượng sạch và công nghệ xanh tiên tiến.

Trong khi đó, Việt Nam những năm qua luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động, luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của khu vực và thế giới. Đồng thời, là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Krystof Paszyk đánh giá, thời gian tới, các doanh nghiệp hai nước sẽ tập trung hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai nước lên 5 tỉ USD vào năm 2030 như mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra.

Các doanh nghiệp Ba Lan sẽ đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, đặc biệt là các ngành mũi nhọn của Ba Lan, phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của Việt Nam như công nghệ thông tin, sản xuất và chế tạo công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dược phẩm và y tế, vận tải, tài chính và ngân hàng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.