Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Canada
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc bà Mélanie Joly chọn Việt Nam là một trong hai nước châu Á đầu tiên tiến hành thăm chính thức trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly trong cuộc gặp chiều 13.4 |
đậu tiến đạt |
Chuyến thăm của bà Joly diễn ra đúng dịp hai nước Việt Nam và Canada kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác toàn diện (2017 - 2022) và hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023). Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hiệu quả và thực chất. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 6 tỉ USD, tăng 18,5% so với năm 2020.
Hai bên cũng tăng cường hợp tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn Chính phủ Canada đã dành cho Việt Nam khoản viện trợ phát triển chính thức lên tới 1,3 tỉ USD từ năm 1990 đến nay.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao Canada tiếp tục thúc đẩy hợp tác hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư, an ninh - quốc phòng, hỗ trợ phát triển, ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường biển, năng lượng sạch và tái tạo, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, xây dựng nền nông nghiệp xanh và bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đề nghị Canada tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam, nhất là mặt hàng nông thuỷ sản, xuất khẩu sang thị trường Canada nhiều hơn nữa.
Canada có thể là cánh cửa để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ và Mexico - các thành viên của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ phiên bản mới |
đậu tiến đạt |
Bộ trưởng Joly cũng cho biết, chuyến thăm nằm trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Canada, theo đó Canada mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với một số nước ở khu vực, trong đó Việt Nam là ưu tiên hàng đầu.
Bà Joly khẳng định Canada muốn đa dạng hóa, mở rộng quan hệ thương mại với Việt Nam, nhất trí thúc đẩy tăng cường hợp tác thương mại, đặc biệt là kết nối các doanh nghiệp, hỗ trợ Việt Nam xuất khẩu nông sản, xóa đói giảm nghèo; mong muốn hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đề nghị Việt Nam hỗ trợ Canada thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa Canada và ASEAN.
Canada mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh có nhiều biến động phức tạp trên thế giới.
Bộ trưởng Ngoại giao Joly đánh giá cao thành công, đóng góp của cộng đồng người Việt, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cộng đồng người Việt và du học sinh Việt Nam tại Canada. Về vấn đề này, Thủ tướng cũng cảm ơn và đề nghị Canada tiếp tục hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ khoảng 240.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Canada phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của Canada, góp phần thắt chặt giao lưu giữa hai nước, đồng thời mong Canada quan tâm, tạo điều kiện cho du học sinh Việt Nam quay trở lại Canada sau các đợt dịch.
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm như Biển Đông và Ukraine.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ DOC, tiến tới xây dựng COC thực chất, hiệu quả, hiệu lực; đảm bảo tự do, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông, dựa trên lợi ích của tất cả các nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà kỷ niệm cho Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly |
đậu tiến đạt |
Về vấn đề Ukraine mà bà Bộ trưởng đề cập, Thủ tướng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Việt Nam luôn theo dõi sát và hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang tại Ukraine; kêu gọi chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, tránh gây thương vong, tổn thất cho dân thường. Việt Nam mong các bên sớm tìm giải pháp hòa bình cho các bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên liên quan, bảo đảm an ninh, an toàn và nhu cầu thiết yếu dành cho người dân, đồng thời thúc đẩy cứu trợ nhân đạo.
Bình luận (0)