Thủ tướng đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ công nhận nền kinh tế thị trường Việt Nam

Mai Hà
(từ Thổ Nhĩ Kỳ)
30/11/2023 16:22 GMT+7

Chia sẻ với các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn. Việt Nam đang đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra sáng 30.11 (giờ địa phương) tại thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), do Bộ KH-ĐT, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hội đồng Kinh tế đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ (DEIK) tổ chức.

Thủ tướng đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ công nhận nền kinh tế thị trường Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ sáng 30.11

DƯƠNG GIANG

Ông Cagatay Ozden, Trưởng bộ phận châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ), cho biết đây là Diễn doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ 2 được tổ chức sau năm 2018. Thời gian qua, hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp; trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào các dự án hạ tầng cơ sở của Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư hai nước sẽ cùng trao đổi trong các dự án hợp tác lớn. Đặc biệt, doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều thế mạnh trong các dự án hạ tầng cơ sở, cung cấp dịch vụ như xây dựng sân bay, cầu cảng…”, ông Ozden cho hay.

Ngoài Công ty IC Itas (Tập đoàn IC Holdings) liên danh với các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu dự án nhà ga hành khách sân bay Long Thành, còn có dự án 250 triệu USD của Công ty Hayat. Đây là tập đoàn chuyên về sản xuất đồ gia dụng cũng như tham gia xây dựng các khu công nghiệp tại Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ… 

Theo ông Ozden, các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đều mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều doanh nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp, dược phẩm, thế mạnh sản phẩm Halal. Hai nước có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp fintech của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước. 

“Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ hợp tác, đối tác với rất nhiều nước, xây dựng mạng lưới sản xuất và công nghệ, hạ tầng cơ sở. Rất mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cùng tham gia vào các mạng lưới này”, ông Cagatay Ozden chia sẻ.

Thủ tướng thăm tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ

Thông tin thêm, ông Volkan Agar, Thứ trưởng Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ, bày tỏ ấn tượng khi Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ tại châu Á, có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương. Điểm tương đồng giữa hai nước là có lực lượng dân số trẻ, trong đó Việt Nam có thể coi là cường quốc kinh tế trong khu vực cũng nhờ lực lượng dân số trẻ.

Lãnh đạo Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá Việt Nam là đối tác quan trọng để thâm nhập vào thị trường ASEAN.

Đánh giá rất cao sự phát triển năng động nhất thế giới của khu vực châu Á, ông Mehmet Faith Kacir, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng nền kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ phát triển rất cao, năng động. 

Ngoài thế mạnh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thép…, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang xây dựng công viên công nghệ rất lớn. Xuất khẩu công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ năm nay dự kiến đạt 6 tỉ USD so với 200 triệu USD cách đây 20 năm…

“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp. Chính phủ hai nước cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên về thủ tục visa, thương mại điện tử”, ông Kacir đề nghị.

Dư địa hợp tác lớn, song cơ chế còn hẹp

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng sự phát triển vượt bậc của Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung vào các ngành mới nổi, tận dụng được lợi thế là giao điểm giữa 3 châu lục (châu Âu, châu Á và châu Phi) để phát triển.

Chia sẻ với các doanh nghiệp nước bạn, Thủ tướng nêu rõ các trụ cột chính của Việt Nam; lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển... Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thực hiện chính sách quốc phòng "4 không"; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Việt Nam đang tập trung 3 đột phá chiến lược, gồm: đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế; đột phá về phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông; đột phá về phát triển nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính. Qua đó, có hệ thống chính sách thông thoáng, hệ thống hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.

Thủ tướng đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ công nhận nền kinh tế thị trường Việt Nam - Ảnh 2.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam

DƯƠNG GIANG

"Đây là những yếu tố nền tảng để các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam làm ăn ổn định, hiệu quả", Thủ tướng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, Việt Nam tập trung và mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; lấy KH-CN, đổi mới sáng tạo là động lực phát triển mới...

Dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ còn rất lớn, song cơ chế hợp tác còn hạn hẹp. Trong các cuộc trao đổi cấp cao vừa qua, Việt Nam đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ và hai bên tiến tới đàm phán hiệp định thương mại tự do..., tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn.

Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng tới Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên đã bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới; tạo điều kiện hơn thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân...

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Việt Nam luôn đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp phát triển thuận lợi; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.