Tại buổi làm việc, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, đã báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác về tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 17.631 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 9,47%, GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 53,2 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng đạt 6,8% so với cùng kỳ năm 2022 và cao nhất trong khu vực Tây nguyên.
Về văn hóa, xã hội, chất lượng giáo dục của tỉnh được nâng lên, có 189/359 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 52,6%). Công tác giảm nghèo tiếp tục được tập trung chỉ đạo, tổng số hộ nghèo đến cuối năm 2022 khoảng 15.943 hộ, chiếm tỷ lệ 10,86% (giảm 4,46% so với năm 2021).
Tại buổi làm việc, tỉnh Kon Tum đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét bổ sung vào quy hoạch phát triển điện gió tại Kon Tum; phê duyệt quy hoạch tỉnh và Khu du lịch quốc gia Măng Đen; bổ sung quy hoạch, cho phép đầu tư cảng hàng không Măng Đen cùng một số dự án cao tốc kết nối vùng; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp tại một số khu vực; mở cửa khẩu phụ Hồ Le tại xã Ia Đal, huyện Ia H'Drai với Campuchia...
Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực và đánh giá cao kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kon Tum, qua đó đã góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng cho rằng, Kon Tum nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, vùng lõi khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; có diện tích rừng lớn, độ che phủ rừng 63%, hệ động thực vật đa dạng và hệ gien, giống quý như sâm Ngọc Linh... Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kon Tum phải phát triển nhanh, mạnh, toàn diện, bền vững hơn nữa.
Theo Thủ tướng, Kon Tum phải giữ vững quốc phòng, an ninh, nhất là vùng biên giới, dân tộc, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, xây dựng phòng tuyến hợp tác kinh tế quốc tế bình đẳng, lành mạnh, hiệu quả; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa 43 dân tộc trong tỉnh.
Kon Tum cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, vùng trồng dược liệu dưới tán rừng; trong đó tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia và quốc tế, nhất là sâm Ngọc Linh...
Bổ sung sân bay Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Kon Tum, sau khi nghe lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp thảo luận, cùng với cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cho ý kiến chỉ đạo với từng nội dung cụ thể trên tinh thần cơ bản đồng tình; các bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền trong quý 3/2023, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh lập đề án cụ thể về phát triển Kon Tum theo các mục tiêu đã xác định và triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển Tây nguyên, trong đó đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đối với Khu du lịch quốc gia Măng Đen, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương việc bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vào quy hoạch mạng lưới đường bộ, sân bay Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không.
Về việc đầu tư quốc lộ 24 (đoạn còn lại khoảng 62 km) qua Kon Tum và Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng, Thủ tướng giao Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính nghiên cứu phương án huy động nguồn lực, giao tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum triển khai các đoạn qua từng tỉnh.
Về phát triển điện gió trên địa bàn, Thủ tướng giao Bộ Công thương, tỉnh Kon Tum và các cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung vào Quy hoạch điện VIII để tỉnh Kon Tum kêu gọi đầu tư các dự án điện gió với tổng công suất trên 3.000 MW, đồng thời các doanh nghiệp tham gia đầu tư trạm biến áp 500 kV để đấu nối vào đường dây 500 kV mạch 3 Dốc Sỏi - Pleiku 2. Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương xây dựng khung giá điện cho các loại nguồn điện trong giai đoạn hiện nay, nhất là nguồn điện tái tạo.
Về phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu, tỉnh Kon Tum cho biết hiện có 2 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông với 9 xã đang vướng trên 15.000 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ (theo quy định của luật Lâm nghiệp năm 2017 thì không cho phép trồng dược liệu dưới tán rừng đặc dụng, rừng phòng hộ); Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để tháo gỡ vấn đề này.
Bình luận (0)