Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã chứng kiến các bác sỹ Bệnh viện Đại học Chợ Rẫy (TP.HCM) kết nối hệ thống Telehealth với Bệnh viện Cần Giờ (TP.HCM), Bệnh viên đa khoa Hậu Nghĩa (Long An), Bệnh viện Thuận An (Bình Dương) và nhiều Trung tâm y tế tại các huyện, thị trong toàn quốc để hội chẩn, tư vấn điều trị cho các trường hợp mắc Covid-19 đang chuyển biến nặng.
Thủ tướng cũng lắng nghe ý kiến của các y, bác sỹ tại nhiều điểm cầu ở các địa phương trong cả nước như Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Phú Yên, Nghệ An, Lạng Sơn… kết nối, trao đổi với Bệnh viện Chợ Rẫy về công tác điều trị bệnh nhân.
Trao đổi với Thủ tướng, các y, bác sỹ tại các điểm cầu cho rằng hệ thống Telehealth là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sỹ. Đồng thời, giúp các y bác sỹ tại các vùng sâu, vùng xa yên tâm, tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân.
|
Dành nhiều sự quan tâm đến tuyến đầu chống dịch Covid-19, Thủ tướng cũng gửi lời thăm hỏi, động viên đến các y, bác sỹ tại các điểm cầu và trên cả nước. Nhắc lại cách đây 1 tháng ông đã đề nghị Bộ TT-TT xem xét thành lập Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia, đặc biệt là việc kết nối khám chữa bệnh từ xa với tuyến huyện, theo Thủ tướng, qua thử nghiệm hôm nay có thể yên tâm vì hệ thống đã vận hành, song cần tiếp tục hoàn thiện quy trình.
"Về lâu dài đây là hệ thống khám chữa bệnh từ xa quan trọng không chỉ đối với dịch bệnh Covid-19 mà nhiều bệnh khác. Từng bước hoàn thiện quy trình phòng, chống dịch COVID-19 từ “5K” ở thời kỳ đầu thành “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ và các biện pháp khác”, Thủ tướng nhấn mạnh.
|
Theo Thủ tướng, vấn đề áp dụng công nghệ để chữa bệnh ở đây không chỉ là khoa học mà còn là niềm tin, tâm lý, nhân văn. Do đó, ông đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất trong phân lớp, phân tầng bệnh nhân để điều trị phù hợp. Các Bộ KH-CN, TT-TT... hoàn chỉnh công nghệ, nhất là cần phát hiện những hạn chế khi áp dụng công nghệ này để việc hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được thông suốt, trơn tru, hiệu quả.
Thủ tướng cũng hoan nghênh, biểu dương Bộ TT-TT, Bộ Y tế, các đơn vị công nghệ, sự cố gắng của các y bác sỹ tại các cơ sở khám chữa bệnh đã “thần tốc” vận hành hệ thống công nghệ này phục vụ khám, chữa bệnh thông suốt. Đồng thời yêu cầu Bộ Y tế tổ chức thêm các buổi tập huấn, bảo đảm vận hành hệ thống được nhuần nhuyễn, tiến tới có trung tâm hồi sức cấp cứu ở tuyến huyện để các ca bệnh nặng không phải chuyển lên tuyến trên.
Thần tốc triển khai trong 2 ngày
Theo Bộ TT-TT, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gắn với thông điệp “5K + vaccine + công nghệ,” chỉ trong hơn 2 ngày, các doanh nghiệp công nghệ gồm Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ra quân thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố.
Đến nay 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, các ca bệnh khó, trong đó có điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên.
“Thủ tướng hỏi tôi cách đây 5 ngày, còn bao nhiêu bao nhiêu trung tâm y tế tuyến huyện chưa kết nối truyền hình, tôi trả lời còn trên 300 huyện, tức là khoảng 45%. Thủ tướng cũng hỏi, có thể làm nhanh được không? Đây là tình huống rất khẩn cấp, tôi cũng không ngờ Viettel và VNPT đều hứa quyết tâm làm xong trong 2 ngày”, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại.
|
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, Bộ TT-TT và Bộ Y tế đồng tổ chức ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia. Với tinh thần mang công nghệ hỗ trợ ngành y, Trung tâm công nghệ đã phát triển và cung cấp các nền tảng công nghệ dùng chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ y tế trong phòng, chống dịch, bao gồm: khai báo y tế, kiểm soát vào ra các địa điểm công cộng, truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, giám sát cách ly, đo lường mức độ giãn cách xã hội và các nghiệp vụ khác theo yêu cầu thực tiễn phát sinh. Đây là các nền tảng dùng chung nên có thể triển khai nhanh trên toàn quốc, giúp lực lượng y tế phản ứng nhanh, chính xác với các diễn biến của dịch.
Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Telehealth do Viettel phát triển được đưa vào vận hành từ tháng 4.2020, kết nối hơn 30 bệnh viện trung ương với hơn 1.400 cơ sở y tế tuyến dưới bao gồm cả vùng núi và hải đảo. Đây là một trong những bước tiến đột phá trong quá trình chuyển đổi số của ngành Y tế, hướng đến mục tiêu “vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”. Tính đến nay, có gần 1.600 hồ sơ bệnh án được gửi lên Telehealth, gần 500 buổi hội chẩn và hơn 200 buổi đào tạo được tổ chức thông qua hệ thống.
|
Bình luận (0)