Lễ khánh thành và lễ ra mắt Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP.HCM là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ của HEF 2024. Đây là cột mốc quan trọng, khẳng định vị thế của TP.HCM trong quá trình hội nhập toàn cầu và phát triển bền vững.
Tại đây, Thủ tướng đã làm việc với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ, ngân hàng... Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 C4IR là mô hình rõ nét nhất cho hợp tác công tư, vừa làm vừa học hỏi. Hiện C4IR có 10 thành viên sáng lập, gồm: Đại học Quốc gia TP.HCM, Viettel, Sovico, ngân hàng HD Bank, Techcombank… Ông Mãi kỳ vọng, cố gắng mỗi thành viên có một hoạt động, cả năm ít nhất có 10 sự kiện.
Chủ tịch Tập đoàn Sovico Nguyễn Thị Phương Thảo, thành viên sáng lập C4IR, cho biết riêng tại Khu công nghệ cao TP.HCM - nơi đặt trụ sở của C4IR - Sovico đã và đang thực hiện 3 dự án lớn liên quan công nghệ. Đó là Trung tâm đổi mới sáng tạo (Galaxy Innovation Hub), nơi từng đón các tập đoàn công nghệ đa quốc gia Nidec, Nipro, Samsung, Intel, Facebook và Google. Tháng 4 vừa qua, Galaxy Innovation Hub là nơi diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới kết nối trực tuyến 42 nước trên thế giới; thứ 2 là Trung tâm Công nghệ hàng không - Học viện Hàng không Vietjet và Đại học Fulbright sẽ được khởi công trong thời gian tới với số tiền tập đoàn tài trợ đầu tư gần 500 tỉ đồng.
Trung tâm C4IR TP.HCM là một trong các nội dung Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế giới (WEF) giai đoạn 2023 - 2026.
Đây là Trung tâm C4IR thứ 2 của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 toàn cầu của WEF.
C4IR đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM, hình thành các hệ sinh thái công nghệ đúng xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gồm các lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, drone, trí tuệ nhân tạo, IoT....
Bình luận (0)