Thủ tướng dự Ủy hội sông Mê Kông: Cấp bách bảo vệ an ninh nguồn nước

04/04/2023 11:33 GMT+7

Chiều nay 4.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao sẽ sang thăm Lào theo lời mời của Thủ tướng CHDCND Lào Sonexay Siphandone và tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) lần thứ 4.

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông (Ủy hội) là cơ chế hợp tác vùng có cơ sở pháp lý chặt chẽ nhất, cơ chế hợp tác về tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông đầy đủ duy nhất trong khu vực. Việt Nam xác định là quốc gia thành viên tích cực nhất, gương mẫu nhất và có tính xây dựng nhất.

Thủ tướng dự Ủy hội sông Mê Kông: Cấp bách bảo vệ an ninh nguồn nước - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành

VGP

Trao đổi trước thềm chuyến làm việc quan trọng này, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành cho biết, Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông quốc tế có sự tham dự của thủ tướng các quốc gia thành viên Ủy hội, đại diện của các đối tác đối thoại của Ủy hội là Trung Quốc và Myanmar, các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực Mê Kông.

Hội nghị được tổ chức 4 năm/lần, bắt đầu từ năm 2010 vào ngày 5.4 - đúng vào ngày ký kết Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông 1995. Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự hợp tác Mê Kông được cam kết và ủng hộ mạnh mẽ từ cấp cao nhất của Chính phủ các quốc gia thành viên Ủy hội, và các bên liên quan cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Kông.

Trung Quốc và Myanmar tham gia với tư cách đối thoại

 Về tầm quan trọng và ý nghĩa của Hội nghị cấp cao Ủy hội lần thứ 4 trong hợp tác lưu vực sông Mê Kông, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: Hội nghị cấp cao Ủy hội lần thứ 4 được tổ chức vào ngày mai (5.4) tại Vientiane, Lào.

Thủ tướng các nước sẽ thảo luận về các khó khăn, thách thức cũng như các cơ hội đối với sự phát triển của lưu vực Mê Kông, và dựa trên các kết quả nghiên cứu và xu hướng cập nhật trong quản lý tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên của lưu vực sông trong khu vực và trên thế giới để cùng định hướng ưu tiên cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Kông, đưa ra các chỉ đạo chiến lược cho Ủy hội đối với các hoạt động kỹ thuật và hợp tác, đối tác.

Đây là những nội dung hết sức quan trọng, nhằm giúp cho Ủy hội đạt được các mục tiêu trong hoạt động của mình, góp phần đạt được mục tiêu và tầm nhìn cho lưu vực, đồng thời giúp tăng cường và mở rộng sự hợp tác với các đối tác.

Lưu vực sông Mê Kông gồm của 6 quốc gia, trong đó Trung Quốc và Myanmar nằm ở thượng nguồn. Tuy nhiên, Trung Quốc và Myanmar không phải là thành viên của Ủy hội mà là đối tác đối thoại. Một lưu vực sông là một thể thống nhất, cần được tất cả các quốc gia có chung lưu vực cùng tham gia một cách toàn diện vào việc phát triển, quản lý, và bảo vệ lưu vực sông nhằm đạt được sự hợp lý, công bằng, và bền vững trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên toàn lưu vực.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện của Trung Quốc và Myanmar thể hiện sự tiếp tục cam kết hợp tác của hai quốc gia này đối với sự phát triển tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của toàn lưu vực sông Mê Kông. Điều này cũng thể hiện mối quan tâm chung, tầm nhìn chung của tất cả các quốc gia ven sông, từ thượng nguồn tới hạ du, về một lưu vực sông Mê Kông "thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, và bền vững về môi trường và khả năng chống chịu khí hậu".

Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện của các đối tác phát triển chiến lược của Ủy hội, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ lâu dài.

Thủ tướng dự Ủy hội sông Mê Kông: Cấp bách bảo vệ an ninh nguồn nước - Ảnh 2.

Người dân ĐBSCL đã nhiều năm không có niềm vui đón lũ về

MINH HÂN

Ông Thành cho biết, chủ đề của Hội nghị cấp cao Ủy hội lần thứ 4 là "Đổi mới và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Kông".

Lưu vực sông Mê Kông hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức to lớn trong bối cảnh các hoạt động phát triển ngày một gia tăng, gây áp lực lên nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên thiên nhiên liên quan, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khiến cho vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững gặp nhiều khó khăn. Do đó, đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực trở thành nhiệm vụ cấp bách.

Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đã có bề dày hoạt động gần 30 năm, song trong thế giới biến động hàng ngày, hàng giờ, Ủy hội không thể mãi đi theo những cách thức trước đây mà cần phải có những thay đổi để có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới, cần có những đổi mới, cải tiến trong nhiều lĩnh vực để đạt được hiệu quả cao hơn nữa, cần tận dụng những ưu thế của các cuộc cách mạng về công nghệ, về chuyển đổi số, về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… để phục vụ cho các hoạt động của Ủy hội...

Chủ đề năm nay của Ngày nước Thế giới 22.3 của Liên Hiệp Quốc là "Thúc đẩy sự thay đổi" cho thấy tầm quan trọng của sự thay đổi trong  ứng xử đối với tài nguyên nước đã được nhận thức rõ rệt, đó là cần phải thay đổi về tư duy, cách tiếp cận, phương thức quản trị, thay đổi về công nghệ kỹ thuật, thay đổi về phương thức hợp tác  trong khai thác, sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước.

Hội nghị gồm các hoạt động chính sau:

- Hội nghị khoa học quốc tế diễn ra trong ngày 2 - 3.4, với có sự tham gia của khoảng hơn 600 nhà khoa học, nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà hoạt động trong nước và quốc tế. Các thông điệp tại đây sẽ được báo cáo lên Hội nghị cấp cao để các thủ tướng cũng như các đại diện của các đối tác xem xét, làm cơ sở để đưa ra các định hướng ưu tiên chiến lược cho Ủy hội trong những năm sắp tới.

- Hội nghị bộ trưởng diễn ra vào ngày 4.4 để thảo luận về mối quan tâm của các quốc gia ven sông và cộng đồng quốc tế, thống nhất các thông điệp của hội nghị quốc tế và hội nghị bộ trưởng để đệ trình lên các thủ tướng tại Hội nghị cấp cao.

- Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông quốc tế lần thứ 4 diễn ra vào ngày 5.4. Các thủ tướng sẽ thông qua Tuyên bố chung của hội nghị - Tuyên bố Vientiane.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.