Thủ tướng gặp lãnh đạo ngân hàng: Bảo vệ người làm đúng, xử lý người làm sai

16/10/2022 13:54 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng thương mại tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời khẳng định Đảng, Nhà nước luôn bảo vệ, hỗ trợ những doanh nghiệp tuân thủ, hoạt động theo đúng Hiến pháp và pháp luật, xử lý những người vi phạm.

Báo cáo tại cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo các ngân hàng thương mại sáng nay 16.10, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN), cho biết NHNN đã điều hành tín dụng gắn với nâng cao chất lượng, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.

Với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Đến cuối tháng 9.2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng trên 15.000 tỉ đồng, dư nợ đạt khoảng trên 13.000 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam

nhật bắc

Tuy nhiên, báo cáo của NHNN và các ý kiến cũng nêu rõ, còn những khó khăn, thách thức và những vấn đề nổi lên trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vai trò của hệ thống ngân hàng với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia. Theo Thủ tướng, hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch tích cực, kịp thời, hiệu quả của nền kinh tế.

Hoạt động ngân hàng gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, hệ thống ngân hàng có ổn định, lành mạnh, an toàn, hiệu quả thì nền kinh tế mới ổn định và phát triển. Ngược lại, nền kinh tế có ổn định, phát triển thì hệ thống ngân hàng ổn định, lành mạnh, an toàn hiệu quả.

Thủ tướng cũng dẫn ra ví dụ, giải Nobel Kinh tế năm nay được trao cho các nhà kinh tế học nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính; trong đó chỉ ra rằng khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ khủng hoảng ngân hàng, đòi hỏi chính sách quản lý đặc biệt, phù hợp với tình hình.

Nói về kết quả của ngành ngân hàng thời gian qua, Thủ tướng nêu những điểm đạt được như điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt; mặt bằng lãi suất, tỷ giá cơ bản ổn định; cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tình hình thế giới diễn biến phức tạp; lạm phát, lãi suất tăng cao; nhiều đồng tiền mất giá mạnh; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng đến nhiều tổ chức tín dụng và người dân. Còn hiện tượng sở hữu chéo, cạnh tranh thiếu lành mạnh, tính công khai, minh bạch chưa cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc đối thoại với lãnh đạo các ngân hàng thương mại sáng 16.10

nhật bắc

Một số ngân hàng thương mại yếu kém phải quyết liệt xử lý, mặc dù rất khó khăn, cần nguồn lực. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% triển khai chậm, hiệu quả chưa cao do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên cần khắc phục triệt để thời gian tới.

Yêu cầu ngân hàng thương mại tuân thủ pháp luật

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; điều hành tỷ giá, lãi suất, tăng tín dụng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu phát triển.

NHNN cần triển khai có hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; đẩy mạnh xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém. Rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam...

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các ngân hàng thương mại tuân thủ pháp luật, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, bảo đảm an toàn hoạt động. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ, chất lượng tín dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, tập trung cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Phát triển mạnh mạng lưới; nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng; phát triển hoạt động dịch vụ phi tín dụng...

Thủ tướng cũng nêu các thông điệp quan trọng: Đảng, Nhà nước luôn bảo vệ, khuyến khích, hỗ trợ những doanh nghiệp tuân thủ, hoạt động theo đúng Hiến pháp và pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, làm giàu chính đáng, minh bạch.

Thứ hai, phải xử lý những người vi phạm Hiến pháp và pháp luật, lợi dụng chính sách để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo vệ người làm đúng, xử lý người làm sai để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh theo Hiến pháp và pháp luật. Đảng, Nhà nước luôn luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Đến cuối tháng 9, tổng vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt 11,55 triệu tỉ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2021.

Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021 - 2025; tập trung hoàn thiện thể chế, xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.

Hệ thống các ngân hàng thương mại không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, chất lượng và năng lực tài chính. Tổng tài sản của các ngân hàng cổ phần đến nay đã đạt khoảng 7,5 triệu tỉ đồng; của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đạt hơn 7 triệu tỉ đồng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.