Đó là chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023, do Bộ Công thương tổ chức sáng 3.2, tại Hà Nội; cùng dự có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.
Tháng 1 có 2 kỳ nghỉ tết, vẫn xuất siêu 3,6 tỉ USD
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, sau thời gian chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, sản xuất trong nước khôi phục, nhiều thị trường xuất khẩu được nối lại khiến Việt Nam lập kỷ lục về xuất, nhập khẩu trong năm 2022.
Dịp tết Nguyên đán 2023, ngành công thương đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân. Thị trường không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, nguồn cung được đảm bảo.
Tháng 1 có 2 kỳ nghỉ tết, thời gian làm việc bằng 1/3 so với các tháng bình thường; đơn hàng xuất khẩu giảm, các doanh nghiệp tập trung sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất, nhập khẩu trong tháng đều giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa vẫn xuất siêu 3,6 tỉ USD (cùng kỳ năm 2022 xuất siêu 1,6 tỉ USD); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20% (cùng kỳ năm trước tăng 1,3%).
Ông Diên nhìn nhận, vấn đề an ninh năng lượng được bảo đảm, cung cấp đủ điện, xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng. Cụ thể, đối với điện, các nhà máy điện vận hành ổn định; hệ thống điện luôn bảo đảm dự phòng cao. Các doanh nghiệp cung ứng điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong dịp nghỉ tết.
Còn về xăng dầu, năm 2022 có xảy ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ nhưng sau đó đã được khắc phục, đảm bảo nguồn cung cho thị trong nước.
Ngay trước tết Nguyên đán vừa qua, có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương thông báo tạm nghỉ do nhân viên về quê nghỉ tết, nhập hàng chậm... Lực lượng quản lý thị trường đã kịp thời kiểm tra, động viên doanh nghiệp, sau đó các cửa hàng mở cửa bán hàng bình thường.
Nghe nhanh 6h ngày 3.2: Cái giá cho sự kỳ thị du khách | HAGL - VPF “chung sống hạnh phúc”
Đảm bảo cung ứng đủ điện, xăng dầu
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng phân tích nhiều lĩnh vực, vấn đề của ngành công thương để đưa ra những chỉ đạo định hướng, trong đó có thị trường điện và xăng dầu.
Đối với thị trường điện, người đứng đầu Chính phủ phân tích 5 vấn đề: nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện.
Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn điện phải sử dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước. Nguồn điện vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, như: điện gió, điện mặt trời.
Tải điện phải tránh tình trạng xây dựng nguồn ồ ạt nhưng không có tải; phân phối điện phù hợp với điều kiện đất nước và từng khu vực; sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm; giá điện phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân.
Thủ tướng Chính phủ bày tỏ quan điểm, giá điện của Việt Nam không thể giống nước phát triển. Giá điện quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được; đề nghị Bộ Công thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tránh điều hành "giật cục" để cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.
Thủ tướng lưu ý cần ban hành cơ chế bán điện trực tiếp. Trong mua, bán điện cần có đàm phán để hài hòa lợi ích, chia sẻ khó khăn. Đối với cơ chế mua, bán điện, Thủ tướng bày tỏ, sẵn sàng ngồi đối thoại với các bên để hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Chỉ đạo đối với thị trường xăng dầu, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Bộ Công thương phải bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ theo tinh thần giảm bớt khâu trung gian, giảm thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường xăng dầu.
Xem nhanh 12h ngày 3.2: “Kháng sinh liều cao” trị vụ án đăng kiểm | Google xin lỗi vì nhầm ảnh
Bình luận (0)