Thủ tướng giải mã tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam

21/01/2025 20:59 GMT+7

Việt Nam đã triển khai chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, đồng thời cam kết không thiếu điện với các giải pháp đồng bộ, gồm cả phát triển điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân và nhập khẩu điện.

Sáng 21.1 (theo giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 55 với chủ đề "Giải phóng tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam: Thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo vì một tương lai hùng cường".

Thủ tướng giải mã tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam- Ảnh 1.

Việt Nam lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực tăng trưởng mới

Tham dự đối thoại có Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF Joo-Ok Lee cùng hơn 60 lãnh đạo tập đoàn toàn cầu là thành viên WEF. Đây là một trong số ít các hoạt động đối thoại quốc gia được tổ chức tại Hội nghị WEF Davos năm nay và là Phiên Đối thoại chiến lược quốc gia lần thứ 4 mà WEF tổ chức với Việt Nam.

Lấy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực mới

Phân tích về tiềm năng tăng trưởng tại Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, năng lực tự cường của nền kinh tế khi vừa phải ứng phó với những khó khăn do là nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở lớn, vừa phải đối mặt với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cho biết, năm 2024, Việt Nam đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước một cách tốt đẹp, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là trong những thời điểm khó khăn, thách thức.

Phân tích về các xu thế lớn, Thủ tướng đánh giá, thế giới ngày nay đang phân cực hóa về chính trị, đa dạng hóa về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, xanh hóa về sản xuất kinh doanh và dịch vụ, số hóa mọi hoạt động của con người. Ngoài ra, thế giới còn đối diện các vấn đề như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên… Đây là những vấn đề mà các nước phải đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu để giải quyết.

Trong bối cảnh đó, để giải phóng tiềm năng tăng trưởng để đạt các mục tiêu chiến lược tới năm 2030, 2045, Việt Nam tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực mới.

Thủ tướng giải mã tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam- Ảnh 2.

Thủ tướng trả lời các vấn đề quan tâm của các đại biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam

Ba đột phá chiến lược

Trong năm 2025, Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025 và đạt mức 2 con số trong những năm tiếp theo, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Cùng với đó, Việt Nam tập trung thực hiện quyết liệt ba đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực theo tinh thần thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực và quản trị thông minh.

Trong đó, hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá", cắt giảm thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy về tổ chức, coi thể chế là nguồn lực, động lực, góp phần làm giảm thời gian, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp và người dân, giải phóng nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam có cơ sở, nền tảng để thực hiện các mục tiêu đã đề ra và ngày càng có thêm nhiều kinh nghiệm, tự tin hơn, bản lĩnh hơn, có nhiều nguồn lực hơn để tiếp tục phát triển trong kỷ nguyên mới.

Chia sẻ về một số dự án hạ tầng chiến lược, Thủ tướng cho biết, Việt Nam dự kiến hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong khoảng 10 năm, dự kiến khởi công dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc và Trung Á, châu Âu trong năm 2025; dự kiến hoàn thành nhà máy điện hạt nhân trong 5 năm; đồng thời nhiều dự án lớn về sân bay, cảng biển, đường bộ cao tốc đang được thúc đẩy mạnh mẽ để về đích đúng hạn, phấn đấu có ít nhất 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025.

Trả lời về các vấn đề quan tâm của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã triển khai chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn. Việt Nam cam kết không thiếu điện với các giải pháp đồng bộ, gồm cả phát triển điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân và nhập khẩu điện.

Trong thảo luận, các doanh nghiệp nhiều lần bày tỏ ấn tượng với quyết tâm và cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn và sự quan tâm, ủng hộ rất cao cho cộng đồng doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.