Thủ tướng: Hà Nội phải xây một trung tâm văn hóa như nhà hát Sydney

03/01/2024 17:54 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hà Nội phải xây một trung tâm văn hóa lớn như nhà hát Sydney để nâng cao thương hiệu.

Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa là một trong những điều Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc tới trong chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 3.1.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: "Hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, tiếp cận văn hóa chưa được bình đẳng. Đây cũng là cái cần chú ý. Khu vực thành thị thì thiếu quỹ đất, mà nông thôn thì thiếu kinh phí xây dựng các thiết chế này".

Thủ tướng: Hà Nội phải xây một trung tâm văn hóa như nhà hát Sydney- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo tại hội nghị tổng kết của ngành VH-TT-DL

BTC

Cũng theo Thủ tướng, cần phải xây dựng thiết chế văn hóa tầm cỡ ở thủ đô. "Nhà hát lớn thì Pháp xây được hàng trăm năm nay rồi. Vừa qua ta cũng bổ sung thêm được nhà hát Hồ Gươm, nỗ lực cố gắng của ngành công an. Rồi phải có cung thể thao tầm cỡ. Rồi phải có một trung tâm văn hóa thế nào, nó phải như nhà hát Sydney để mình nâng cao thương hiệu", Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.

Để có được những thiết chế văn hóa "nâng cao thương hiệu" như vậy, Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan suy nghĩ, thiết kế độc đáo. Thủ tướng đặt hàng các kiến trúc sư tạo ra sản phẩm khác biệt, sản phẩm văn hóa kiến trúc ngàn đời.

Thủ tướng cũng nhắc nhở ngành văn hóa về một thiết chế đang rất khó tiếp cận với người dân - Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. "Diện tích thì lớn, đường đi thì khó", Thủ tướng nói, và gợi ý về việc làm đường sắt đô thị cao tốc từ Nguyễn Chí Thanh lên Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, để đi lại thuận tiện như tuyến Cát Linh - Hà Đông. "Đó cũng là cách tư duy, làm sao khai thác được, cái đã có thì khai thác tối đa", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc đến việc soạn thảo chính sách cho những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao. "Ví dụ như thể thao chẳng hạn, chỉ có tuổi thôi. Hết tuổi đỉnh cao thì chuyển ngành chuyển nghề thế nào, cơ chế chính sách ra làm sao, để phát huy tối đa năng lực của họ, để góp sức vào sức mạnh chung của dân tộc. Thế thì phải có chính sách, mà phải tính toán rất khoa học thì mới được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận", Thủ tướng lưu ý.

Hoàn thành 90% nhiệm vụ

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá năm 2023 đầy khó khăn nhưng công tác VH-TT-DL vẫn có nhiều thành tựu. Theo đó, Bộ VH-TT-DL đã bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai nhiệm vụ.

Bộ VH-TT-DL cũng đã hoàn thành 133/148 (90%) nhiệm vụ Chính phủ giao trong năm 2023; chủ động, tích cực tham mưu đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Tổ chức thành công chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) mang lại ý nghĩa rất tích cực, lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, phát triển và được quốc tế công nhận. UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới, nâng tổng số di sản của Việt Nam được công nhận lên 32 di sản. Việt Nam lần thứ 2 trúng cử vị trí thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027; Đà Lạt và Hội An trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.