Thủ tướng họp trực tuyến với các địa phương ngay sau Tết

02/02/2023 10:05 GMT+7

Sáng nay 2.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.

Phiên họp của Thủ tướng với các địa phương được tổ chức trực tuyến, nhằm đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; đặc biệt là triển khai các nhiệm vụ sau tết theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng họp trực tuyến với 63 địa phương ngay sau Tết - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2

TRẦN HẢI

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tháng 1.2023 có 2 kỳ nghỉ tết Dương lịch và tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng, nên số ngày làm việc ít hơn, chỉ bằng 2/3 bình thường. 

Về thế giới, tình hình thế giới tháng 1 tiếp tục phức tạp, khó lường. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại mang lại nhiều cơ hội, như khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.

Ở trong nước, tháng vừa qua cũng diễn ra nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại quan trọng, trong đó, có các kỳ họp bất thường T.Ư, Quốc hội. 

Nhiệm vụ của tháng 2 là rất lớn, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích, dự báo tình hình, nhất là những vấn đề mới nổi lên, các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, từ đó đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát tình hình thực tế, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Báo cáo tại phiên họp cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1.2023 tăng 0,52% so với tháng 12.2022 và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường tiền tệ bước đầu có mức tăng trưởng tích cực, đến ngày 17.1 tín dụng tăng 0,65% so với cuối năm trước; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp trước và trong dịp tết Nguyên đán.

Thu ngân sách tháng 1 đạt 11,3% dự toán. Vốn FDI đăng ký mới đạt 1,2 tỉ USD, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Tháng 1 ước xuất siêu 3,6 tỉ USD. Quốc phòng an ninh được bảo đảm, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng nhờ sức cầu tiêu dùng lớn trong dịp tết Nguyên đán.

Cùng với đó, an sinh xã hội được bảo đảm; cả nước đón tết vui tươi, lành mạnh, đầm ấm, an ninh, an toàn, mọi nhà đều có tết. 

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng cả từ bên ngoài và cả từ bên trong nền kinh tế. Sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tăng cao.

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đến tháng 1 ước đạt 80.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm, chưa đề xuất cụ thể phương án xử lý nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…

Đối với phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước đến ngày 31.1.2023 đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ, nhưng số tuyệt đối cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 100.000 tỉ đồng, tăng khoảng 23%...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.