Thông tin được Thủ tướng Hungary đưa ra trong lá thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, sau kết quả các chuyến công du của ông tới Ukraine, Nga, Trung Quốc và Mỹ từ ngày 2-11.7.
Ông viết “Nhận xét chung cho thấy cường độ xung đột quân sự sẽ leo thang mạnh mẽ trong tương lai gần. Cá nhân tôi đã chứng kiến rằng các bên xung đột quyết tâm can dự sâu hơn và không bên nào muốn đưa ra sáng kiến ngừng bắn hoặc đàm phán hòa bình”.
Theo Thủ tướng Orban, “có thể cho rằng căng thẳng sẽ không giảm và các bên sẽ không bắt đầu tìm cách thoát khỏi xung đột nếu không có sự tham gia đáng kể từ bên ngoài”.
Nga chưa bình luận về thông tin trên. Về phía Ukraine, trả lời phỏng vấn Đài BBC hôm 18.7, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng Ukraine có thể chấm dứt “giai đoạn nóng bỏng” của xung đột với Nga trước thời điểm cuối năm nay nếu có sự hỗ trợ của các đối tác.
Ukraine mong muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần hai. Ông Zelensky kêu gọi các nước gây áp lực để Nga cân nhắc một giải pháp ngoại giao. “Điều này không có nghĩa là mọi lãnh thổ đều được kiểm soát lại bằng vũ lực. Tôi nghĩ sức mạnh ngoại giao có thể giúp”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel được cho là đã chỉ trích Thủ tướng Viktor Orban vì tuyên bố rằng EU có lập trường “ủng hộ xung đột” ở Ukraine và cho biết thủ tướng Hungary không có thẩm quyền của EU để đàm phán về xung đột Ukraine.
Ông nói rằng “Chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU [mà Hungary đang đảm nhiệm] không có vai trò đại diện cho EU trên trường quốc tế và không nhận được thẩm quyền nào của Hội đồng Châu Âu để tham gia thay mặt cho EU”.
Hungary hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, đại diện cho các quốc gia thành viên của khối.
Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thì tái khẳng định sự ủng hộ của bà đối với Kyiv bất chấp chuyến đi của Thủ tướng Orban tới Moscow. Bà nhấn mạnh Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine cho đến khi nào cần thiết. “Chúng ta phải cung cấp cho Ukraine mọi thứ họ cần để chống lại Nga và giành chiến thắng”.
Tuy nhiên, Đài BBC ngày 18.7 dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng các thành viên phải chuẩn bị cho bối cảnh xấu nhất là cuộc chiến ở Ukraine kéo dài một thập niên.
Ông phát biểu rằng “Thông điệp chính là sự ủng hộ dành cho Ukraine càng mạnh mẽ và chúng ta sẵn sàng cam kết càng lâu thì cuộc chiến này càng kết thúc sớm. Điều nghịch lý là giờ đây Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng ông ấy có thể chờ đợi chúng ta. Vì vậy, chiến sự vẫn tiếp diễn”.
Ông Stoltenberg, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10, đã liên tục kêu gọi các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng, trong bối cảnh liên minh có nguy cơ rạn nứt.
Theo trang tin The Kyiv Independent, nhiều quốc gia NATO, bao gồm Slovakia và Hungary đã đặt câu hỏi về cam kết của NATO trong việc hỗ trợ Ukraine, đồng thời kêu gọi một thỏa thuận hòa bình.
Bình luận (0)