Hôm nay, 28.8, trong hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020 - 2021, bàn phương hướng nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, lãnh đạo một số địa phương đã bày tỏ mong muốn Bộ GD-ĐT quan tâm tới vấn đề tiêm vắc xin cho học sinh để các em có thể sớm trở lại trường học khi cộng đồng đã hết tình trạng giãn cách.
Thời gian tới, sẽ ưu tiên vắc xin cho trẻ từ 12 tuổi
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết hiện nay 91% giáo viên tỉnh này đã được tiêm vắc xin mũi 1, trên 44% được tiêm mũi 2. Tuy nhiên, học sinh chưa được tiếp cận với vắc xin.
Theo bà Thanh, “tỉnh Vĩnh Long xác định học sinh chỉ được đến trường khi trước hết Vĩnh Long trở lại trạng thái bình thường mới; thứ 2 là các em phải được an toàn, giáo viên và học sinh phải an tâm trong quá trình dạy học, xã hội có thể an lòng… Đề nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế quan tâm, có chương trình tiêm vắc xin cho đối tượng từ 12 đến 18 tuổi, để đảm bảo quyền lợi các em là được bảo vệ khi đến trường”.
Trước băn khoăn trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trường học trở lại hoạt động bình thường là mong ước của tất cả học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh học sinh. Vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường theo hướng Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em.
“Chính phủ sẽ có giải pháp năm học mới đảm bảo an toàn trường học, gắn với tiêm vắc xin. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã phải tranh thủ mọi mối quan hệ quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vắc xin. Hiện, chúng ta đang thúc đẩy chiến lược vắc xin, trong đó có vắc xin cho trường học, vắc xin cho trẻ em”, Thủ tướng chia sẻ.
Theo Thủ tướng, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế căn cứ vào khoa học để quy định độ tuổi tiêm các loại vắc xin, tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm phù hợp. Ví dụ, loại vắc xin nào được nhiều nước sử dụng để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên thì trong thời gian tới, khi nhập khẩu vắc xin về, sẽ dành loại đó tiêm cho trẻ em. Các cháu được tiêm đủ 2 mũi vắc xin có thể học bình thường kèm với các biện pháp phòng chống dịch khác như một số nước hiện nay cũng đang làm.
“Như Singapore, họ chỉ có 5 triệu dân, việc đàm phán để có vắc xin tiêm cho người dân cũng thuận lợi. Chúng ta có cả trăm triệu dân, nên khó khăn hơn nhiều. Khi tôi đàm phán với tổng giám đốc các hãng lớn, Pfizer, AZ, tôi đều đề cập vấn đề vắc xin cho trẻ em. Họ hứa sẽ thúc đẩy. Ta làm tất cả những gì có thể làm được để các cháu được tiêm vắc xin sớm nhất có thể”, Thủ tướng chia sẻ.
Theo Thủ tướng, với trẻ em dưới 12 tuổi, các quốc gia đang nghiên cứu vắc xin, thuốc chữa bệnh. Việt Nam sẽ làm việc sớm với các hãng và thúc đẩy nghiên cứu trong nước để có thể trong thời gian tới có loại vắc xin phòng chống dịch cho các cháu. Bộ GD-ĐT cần tính toán nhu cầu từng lứa tuổi, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm sớm nhất cho các cháu.
Còn đối với giáo viên, các thầy cô được tiêm theo nhóm ưu tiên, cần rà soát lại những nơi nào thiếu vắc xin cho giáo viên thì bổ sung.
Không ỷ vào kinh nghiệm chống dịch cũ để lơ là, chủ quan
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, đồng thời với việc tiêm vắc xin, cần đảm bảo các điều kiện vật chất, tuân thủ các biện pháp chống dịch khác để các cháu trở lại trường bình thường và an toàn.
Đối với các địa phương không có dịch, ở "vùng xanh", thì chủ động phương án trở lại trường học cho học sinh, có biện pháp kiểm soát, sàng lọc và đảm bảo môi trường, có biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Không nên lơ là chủ quan, mất cảnh giác, không thỏa mãn với những gì đã làm được. Không nên ỷ vào việc có một chút kinh nghiệm trước đây, bởi biến chủng này hoàn toàn khác, không chỉ dùng kinh nghiệm cũ để áp dụng cho việc phòng chống dịch hiện nay.
Đối với những vùng dịch đang diễn biến phức tạp, giải pháp trước mắt là học sinh vẫn phải học trực tuyến. Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy học phù hợp. Các lãnh đạo địa phương cần hết sức lưu tâm, dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn, không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập, không để cháu nào phải ở lại phía sau, thất học.
Thủ tướng nhắc nhở các thầy cô giáo cần quan tâm học sinh khi các em được trở lại trường sau một thời gian dài học trực tuyến. Việc học trực tuyến trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý, đến khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh. Vì vậy, những ngày học sinh trở lại trường, thầy cô giáo cố gắng tìm cách để bù đắp thiệt thòi cho các em trong thời gian chống dịch.
Đối với những học sinh, sinh viên mà gia đình chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, các địa phương và ngành GD-ĐT cần triển khai chính sách miễn giảm học phí, đảm bảo không em nào bị thất học vì khó khăn.
“Nhiều giáo viên bị ảnh hưởng vì trường học phải đóng cửa, nhất là đội ngũ thuộc hệ thống các trường tư thục, mầm non cũng cần được quan tâm hơn nữa. Các bộ, ngành cần nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ thêm cho một số trường hợp giáo viên và học sinh đặc thù”, Thủ tướng chỉ đạo.
Bình luận (0)