Chiều nay 24.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nêu rõ, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó có truyền thông của Chính phủ, có vai trò hết sức quan trọng.
Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách |
nhật bắc |
"Sự cố truyền thông" do thiếu kinh nghiệm xử lý
Trong đó, truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Xây dựng chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật. Người dân cũng phải tham gia tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ.
Công tác truyền thông phải đến được với người dân, làm sao để "người dân phản hồi lại các chính sách nào được, chưa được, chính sách nào cần bổ sung, hoàn thiện".
"Chúng ta lắng nghe xem chính sách đã được chưa, còn sơ hở, vướng mắc điểm nào, làm gì để triển khai thuận lợi. Mình làm đã đúng, đã trúng, đã đạt kết quả chưa, do nguyên nhân chủ quan, khách quan nào, sắp tới mục tiêu là làm gì, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, bộ, ngành, địa phương, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng nêu rõ.
Báo cáo đề dẫn, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Các sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hoạt động của Quốc hội, Chính phủ cũng được chú trọng truyền thông sâu rộng tới người dân.
Dẫn ví dụ từ thành quả của công tác phòng chống đại dịch Covid-19, theo Thứ trưởng Lâm, có sự đóng góp quan trọng của công tác truyền thông chính sách ở T.Ư và các địa phương.
Hệ thống báo chí, truyền thông (bao gồm Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp hệ thống thông tin ở cơ sở, các phương thức truyền thông mới qua mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông...) cũng góp phần hết sức to lớn vào việc truyền đi kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ...
Tuy nhiên, theo ông Lâm, việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở T.Ư, mà chưa được quan tâm nhiều ở một số bộ, ngành, địa phương.
Gần đây nhiều vụ việc nổi cộm trên không gian báo chí, truyền thông, trong đó có vụ việc trở thành "sự cố truyền thông", ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội, sản xuất kinh doanh, thậm chí trật tự an ninh... có nguyên nhân xuất phát một phần từ sự thiếu kinh nghiệm xử lý truyền thông hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính nhà nước.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng vẫn còn tư duy sai cho rằng truyền thông chính sách là việc của cơ quan báo chí |
nhật bắc |
Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí được nguồn lực phù hợp…
Theo kết quả khảo sát do Bộ TT-TT tại 59 bộ, ngành, địa phương cho thấy chưa có sự nhất quán mô hình bộ phận chuyên trách về truyền thông; 40/59 cơ quan khảo sát chưa có đội ngũ truyền thông chuyên trách; nhân lực làm công tác truyền thông ở cơ quan nhà nước chưa được chuẩn hóa, thường là kiêm nhiệm các công việc khác.
Ở cấp xã, phường, lực lượng thông tin cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền đi hàng ngày các bản tin phát thanh tiếp cận nhất, với các nội dung "sát sườn" nhất với đời sống người dân.
"Khủng hoảng truyền thông" không chỉ do báo chí
Báo chí chính thống vẫn là kênh chủ lực trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Hệ thống báo chí hiện có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của quốc gia, 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí và 64 đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc. Số lượng lao động trực tiếp làm báo trên toàn quốc hiện nay là hơn 60.000 người, trong đó gần 20.000 người được cấp thẻ nhà báo.
Kinh tế báo chí khó khăn do nguồn thu quảng cáo, dịch vụ giảm mạnh (trong 3 năm gần đây còn do ảnh hưởng chung từ đại dịch Covid-19). Về thu hút quảng cáo, báo chí chính thống đang mất dần ưu thế so với các nền tảng mạng xã hội (toàn bộ hệ thống báo, đài và trang tin trong nước chỉ thu hút khoảng 40% tổng doanh thu quảng cáo trên toàn thị trường, còn lại 60% doanh thu thuộc về các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới).
Báo chí truyền thống đang gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để sản xuất và đưa nội dung báo chí lên chiếm lĩnh, lan tỏa rộng trên không gian mạng. Các mạng xã hội xuyên biên giới, với công nghệ hiện đại, tài chính dồi dào và lượng người dùng áp đảo đang chiếm ưu thế trong việc kiểm soát phân phối thông tin dựa trên phân tích dữ liệu người xem và các thuật toán để gợi ý nội dung phù hợp đến từng người sử dụng.
Phân tích về nguyên nhân của những hạn chế, Thứ trưởng Bộ TT-TT cho rằng do nhận thức chưa đúng "truyền thông chính sách là việc của báo chí", trong khi trên thực tế, truyền thông chính sách thuộc chức năng của chính quyền, là việc của chính quyền.
Trong khi đó, kinh tế báo chí chưa được chú trọng đúng mức để cơ quan báo chí có thêm nguồn lực tham gia vào quá trình truyền thông chính sách một cách hiệu quả. Việc báo chí thực hiện chức năng phản biện chính sách cũng rất quan trọng, vì nó góp phần hoàn thiện chính sách. Phải khẳng định rằng không phải sự cố "khủng hoảng truyền thông" nào cũng có nguyên nhân từ báo chí.
Việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn được coi là việc "khó", tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến ở nhiều bộ ngành, địa phương, dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để giải thích chính sách.
Cần có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho báo chí
Bộ TT-TT cũng đề xuất một số giải pháp: Cần cấp bách thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách (từ khâu hoạch định, ban hành và thực thi chính sách) như là một nhiệm vụ, một chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, từ đó định hình bộ máy chuyên trách và hình thành vị trí việc làm phù hợp cho công tác truyền thông của cơ quan nhà nước.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường công tác truyền thông chính sách để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương hình thành bộ phận/đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ tham mưu truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, cũng như tăng cường bố trí kinh phí cho công tác này.
Phải có công cụ đo lường, đánh giá được hiệu quả truyền thông chính sách qua các phương thức khác nhau (báo chí, thông tin cơ sở, truyền thông xã hội, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước...) để thấy rằng có cách làm hiệu quả, không hiệu quả.
Riêng với hệ thống các cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, hiện vừa làm chức năng cung cấp thông tin nguồn, vừa đăng tải các dự thảo văn bản pháp luật để lấy ý kiến của nhân dân, cần đổi mới cách làm và ứng dụng các công nghệ mới để tăng tương tác với người dân, để người dân cùng tham gia làm chính sách.
Nhà nước có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng, trở thành dòng chảy chính, tích cực để dẫn dắt dư luận, truyền thông chính sách hiệu quả. Hiện nay làm báo cũng chính là làm công nghệ, cần có nền tảng công nghệ để làm báo trên không gian số...
Bình luận (0)