Thủ tướng Đức Angela Merkel đã 7 lần được tờ Forbes chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới trong năm.
Thủ tướng Đức Angela Merkel là người luôn gắn bó và mang lại nhiều thay đổi tích cực cho đội tuyển Đức - Ảnh: AFP
|
Nhưng điều đáng nói ở đây: Thủ tướng Merkel không chỉ là “fan cuồng” của đội tuyển Đức.
Bà còn làm thay đổi hẳn diện mạo của Die Mannschaft nói riêng cũng như bóng đá Đức nói chung.
Từ khi lên nắm quyền, hầu như bà Angela Merkel không bao giờ vắng mặt trong các sự kiện trọng đại liên quan đến đội tuyển Đức. Bà chăm chú theo dõi trận đấu từ khán đài VIP, xuýt xoa với từng pha bóng hoặc hớn hở vung tay ăn mừng bàn thắng. Nữ Thủ tướng Merkel còn đồng ý cho các phó nháy chụp cảnh bà vào tận phòng thay đồ để chia vui với các tuyển thủ Đức. Nhà quản lý Oliver Bierhoff gọi Thủ tướng Merkel là mascot (linh vật, bùa hộ mạng) của Mannschaft. Lukas Podolski thì chơi chữ khi gọi Thủ tướng Merkel là “Muttivation” (motivation trong tiếng Anh nghĩa là nguồn lực, Mutti là biệt danh của bà Merkel, nghĩa là “mẹ”, như chữ Mummy).
Thái độ và cách thức cổ vũ đội tuyển Đức cho thấy Thủ tướng Merkel là một cổ động viên bóng đá thực thụ. Bà không “màu mè”, đến sân chỉ để tỏ ra quan tâm bóng đá như một biện pháp chính trị. Bà tạo ra cảm giác thân thiện nơi các thành viên Mannschaft bởi cách cổ vũ vừa hòa đồng vừa rất chừng mực. Ngoài Die Mannschaft, Thủ tướng Merkel còn cổ vũ CLB Energie Cottbus (bà là thành viên danh dự của CLB này). Tiếc thay, Cottbus hiện chỉ được chơi ở giải hạng ba, cho dù cách nay vài năm đấy vẫn là CLB Đông Đức duy nhất còn góp mặt ở đẳng cấp Bundesliga.
Trên chính trường, Thủ tướng Merkel có một đặc điểm nổi bật, đó là chính sách hướng nước Đức tới một xã hội đa sắc tộc, đa văn hóa. Ít ra, đấy là hướng đi, cho dù chính sách của bà Merkel có lúc thành công, có lúc thất bại, có lúc phải đối đầu với những khó khăn nhất định. Điều đáng nói là, chính sách này đã gây ảnh hưởng rõ ràng đến bóng đá Đức nói chung cũng như diện mạo đội Đức nói riêng.
Gần 10 năm trước, Đức vinh dự đăng cai VCK World Cup 2006. Khi ấy, đội bóng do HLV Juergen Klinsmann dẫn dắt vượt qua vòng tứ kết nhưng đành hài lòng với vị trí số 3 chung cuộc. Với một đội tuyển từng 3 lần vô địch World Cup (nay đã là 4 lần), 3 lần về nhì, làm sao có thể xem thành tích hạng 3 chung cuộc khi được đá trên sân nhà là một kỳ tích? Lạ thay Thủ tướng Merkel vẫn tỏ ra đầy tự hào. Bốn năm sau đó, khi Đức lại vào bán kết và đứng thứ 3 chung cuộc lần nữa, Thủ tướng Merkel đã đề xuất (trên thực tế là quyết định) để Tổng thống Đức Christian Wulff trao những huân chương cao quý nhất nước Đức cho HLV Joachim Loew và các thành viên Mannschaft.
Vì sao? Angela Merkel khi ấy phát biểu: "Đội tuyển bóng đá Đức là tấm gương phản chiếu hoàn toàn chính xác hình ảnh của xã hội Đức - một xã hội đa sắc tộc, đa văn hóa mà mọi người có thể chung sống với nhau trong niềm vui". Dĩ nhiên, đấy là quan điểm chính trị, mỗi người mỗi khác. Nhưng quả đúng như lời Thủ tướng Merkel: đội tuyển Đức khi ấy là một tập hợp của các cầu thủ mang nguồn gốc Brazil, Tunisia, Ghana, Ba Lan, Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha... Ở những thế hệ trước, chưa bao giờ đội tuyển Đức của Fritz Walter, Uwe Seeler, Franz Beckenbauer, Gerd Mueller, Paul Breitner, Sepp Maier, Karl-Heinz Rummenigge... có đặc điểm đa sắc tộc, đa văn hóa như vậy.
Giống như các cộng đồng trong xã hội Đức, đội tuyển Đức bây giờ thậm chí có hẳn những "dòng" riêng, mang đậm bản sắc chuyên môn và nói chung là luôn có đại diện xuất sắc. "Dòng Ba Lan" đã trở thành một thương hiệu trong hàng ngũ Mannschaft, với Piotr Trochowski, Miroslav Klose, Lukas Podolski. "Dòng Thổ Nhĩ Kỳ" có Mehmet Scholl, Mesut Oezil, Ilkay Guendogan... Toàn "chiến tướng". Những ngôi sao như Oezil hoặc Guendogan đều đã suy nghĩ rất nhiều trước khi chọn màu áo Đức. Họ đã có thể chọn Thổ Nhĩ Kỳ nếu không quan tâm đến chính sách của Thủ tướng Merkel?
Bình luận (0)