Dù vậy, Thủ tướng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bất cập mà khối DN nhà nước vấp phải, từ đó có những kinh nghiệm, bước đi tốt hơn trong thời gian tới. Bài học đầu tiên cần rút ra, theo Thủ tướng, là công tác cán bộ. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Công tác cán bộ quyết định tất cả. Công tác cán bộ đúng, chuẩn xác, cán bộ không hư hỏng thì DN thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp đến là công tác quản lý đầu tư và quản lý vốn. Những bài học kinh nghiệm được người đứng đầu Chính phủ chỉ ra như vay vốn lớn, đầu tư dàn trải, không quản lý tốt dẫn đến hậu quả xấu.
Cùng với đó, Thủ tướng cho rằng bài học về năng suất lao động nhìn chung là còn thấp so với thế giới cũng như các loại hình DN ở VN. “Ở đây chúng ta có thể nói bài học trong nội bộ chúng ta. Hai anh cùng kinh doanh giống nhau, thậm chí điều kiện tốt hơn nhưng anh có điều kiện tốt hơn đó bị lỗ chỏng gọng. Tai tiếng. Là do cái gì?”, Thủ tướng nói và cho rằng chính là do công tác cán bộ, do cái tâm, cái tầm của người quản lý. Nếu biết đặt lợi ích chung lên trên, không tham ô, tiêu cực, không có tỷ lệ ăn chia trong đầu tư xây dựng, gương mẫu thì mới thành công. Còn nếu người lãnh đạo DN nhà nước mà không rèn luyện, tu dưỡng, không đặt lợi ích chung lên trên thì thất bại là hiển nhiên.
Thủ tướng cũng mong muốn lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nói "không" với tình trạng sân trước, sân sau. “Tết nhất thì bớt chi phí này, chi phí khác, lo cấp trên, quan hệ này khác để dành tiền đó cho người lao động”, Thủ tướng bày tỏ.
* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, bàn về dự án luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu cùng phương án đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới dự án luật Quy hoạch.
Với luật về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Thủ tướng cho rằng việc hoàn thiện các quy định về vấn đề này là rất cần thiết, cấp bách. Thủ tướng đồng ý với phương án xây dựng 2 văn bản cùng lúc trình Quốc hội, gồm dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và dự thảo một luật sửa nhiều luật (luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan). Về các phương án đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới dự án luật Quy hoạch, Bộ KH-ĐT đề xuất 2 phương án. Một là đề nghị trước mắt sửa 28 luật, 4 luật còn lại sửa sau. Hai là để sửa cùng lúc 32 luật. Kết luận vấn đề này, Thủ tướng đề nghị theo phương án 2.
Theo đó, khi trình dự án luật Quy hoạch tại kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ đề nghị đưa danh mục 32 luật cần sửa vào phụ lục, sau đó đưa nội dung sửa đổi 32 luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian tới.
Bình luận (0)