Thủ tướng: 'Nếu lơi lỏng dễ vỡ trận, thành quả mấy tháng qua sẽ mất'

13/04/2020 19:50 GMT+7

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nếu chúng ta lơi lỏng sẽ dễ vỡ trận, xóa đi thành quả mấy tháng qua.

Chiều nay, 13.4, chủ trì họp Thường trực Chính phủ về chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh “chúng ta không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác”.

 

Thủ tướng đánh giá cao Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương trong cả nước có nhiều biện pháp cương quyết về cách ly xã hội, thực hiện đồng bộ các biện pháp trong Chỉ thị 15, 16; nhân dân cũng cơ bản ủng hộ.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, mấy ngày qua, có sự lơi lỏng hơn, người ra nơi công cộng nhiều hơn so với những ngày trước đó. Một số cửa hàng, cửa hiệu thực hiện chưa nghiêm, vẫn mở cửa bán hàng mà đáng lẽ ra thuộc diện đóng cửa. Trong khi cả nước, đặc biệt là ngành y tế và các cơ quan liên quan, tích cực thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhưng tình hình lây nhiễm vẫn xảy ra, nhất là ổ dịch Hạ Lôi (huyện Mê Linh, Hà Nội) mới đây.

Diễn biến phức tạp vì bệnh nhân thứ 262 - Nhân viên Samsung nhiễm Covid-19

 

Thủ tướng lưu ý, chúng ta không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác. Chúng ta nói mục tiêu kép nhưng ưu tiên là bảo vệ sức khỏe tính mạng của nhân dân. Không vì kinh tế mà coi thường sức khỏe của nhân dân. Đó là nguyên tắc tối thượng trong xử lý công việc. "Nếu chúng ta lơi lỏng thì dễ vỡ trận, xóa đi thành quả đã dày công suốt mấy tháng qua", Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc lại những nguyên tắc như khóa chặt từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch nhanh ở bên trong, yêu cầu người đứng đầu phải chịu trách nhiệm ở địa phương của mình, trong ngành của mình, tại cơ sở sản xuất kinh doanh nếu được phép mở theo quyết định của chủ tịch UBND địa phương.

 

Thủ tướng đồng ý khẩn trương thực hiện các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế nguy cơ lây nhiễm qua việc sử dụng tiền mặt để thanh toán theo đề nghị của Ban Chỉ đạo. Đồng ý cho xuất khẩu khẩu trang y tế và các thiết bị bảo hộ chống dịch cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề trên tinh thần nước ta đã có đủ nhu cầu dự trữ.

 

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch ở khu công nghiệp, đối với công nhân, người yếu thế, các công trường thi công, tăng cường bảo hộ an toàn.

 

Ngoài ra, Thủ tướng biểu dương Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Thông tin - Truyền thông đã tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia ngày đêm phân tích dữ liệu, đáp ứng kịp thời tìm kiếm, truy vết các ca bệnh, đối tượng liên quan cũng như sản xuất thiết bị để phục vụ xuất khẩu.

 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo báo cáo việc học và thi của các trường, các cấp; Bộ Công an, đặc biệt là công an các địa phương, có phương án bảo đảm an toàn cho người dân, điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm.

TP.HCM kiến nghị kéo dài cách ly xã hội đến 30.4 để chống Covid-19

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia (tính đến 12 giờ ngày 13.4), thế giới ghi nhận hơn 1,85 triệu trường hợp mắc tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ; 114.248 trường hợp tử vong. Mỹ đang là tâm điểm của dịch Covid-19, với số mắc và tử vong cao nhất trong số 212 quốc gia có dịch.  
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho rằng, trong thời gian tới, chính quyền và người dân phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, không được lơ là, chủ quan; kiên định với chiến lược chống dịch đã đề ra (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch); phát hiện sớm những ca nhiễm trong cộng đồng và coi như đây là ổ dịch tiềm năng, triển khai ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lan rộng từ ca nhiễm được phát hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.