Thủ tướng nêu thứ tự ưu tiên được tiêm sớm vắc xin Covid-19

24/02/2021 14:39 GMT+7

Sớm có nghị quyết về thứ tự ưu tiên được tiêm sớm vắc xin vì không thể cùng lúc tiêm đủ cho 100 triệu dân là nội dung được Thủ tướng nhấn mạnh khi kết luận cuộc họp sáng nay, 24.2.

Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng nay, 24.2, về công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sớm có nghị quyết về thứ tự ưu tiên được tiêm sớm vắc xin vì không thể cùng lúc tiêm đủ cho 100 triệu dân.
Theo đó, phát biểu về nội dung nhập khẩu vắc xin, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ khi gần 117.000 liều vắc xin phòng Covid-19 đã về đến Việt Nam để sớm đưa vào tiêm chủng cho người dân vào thời gian tới.

Thủ tướng chỉ đạo: Không vì có vắc xin Covid-19 mà chủ quan

Thủ tướng lưu ý, tuy vắc xin đã về đến sân bay, nhưng tinh thần của ngành y tế phải là thần tốc với những biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt hơn để tiêm cho các đối tượng sẽ được quy định rõ hơn tại một nghị quyết của Chính phủ.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế sớm trình dự thảo nghị quyết về vấn đề tiêm vắc xin với những đối tượng được ưu tiên bởi "không thể ngay một lúc tiêm được cho tất cả 100 triệu người nên phải có thứ tự".
Cụ thể, Thủ tướng cho rằng, sớm ưu tiên cho nhân viên y tế, cơ sở điều trị, xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu. Thứ 2 là lực lượng biên phòng, công an tại khu cách ly. Thứ 3 là lực lượng truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại vùng có dịch, lực lượng phòng chống dịch tự nguyện và các đối tượng khác theo nghị quyết của Chính phủ trên nguyên tắc quan trọng là đối tượng có nguy cơ cao thì tiêm trước, nguy cơ thấp thì tiêm sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch thì tiêm sau.
“Tinh thần là bao phủ vắc xin cho người dân Việt Nam nhưng do những điều kiện cụ thể, không thể tiêm ngay được nên có thứ tự ưu tiên như vậy”, Thủ tướng nói nhưng không quên nhắc rằng, chiến lược của chúng ta là “vắc xin + 5K”, nên “không vì vắc xin mà chúng ta chủ quan" với công tác phòng chống dịch Covid-19.
Cũng liên quan đến nội dung này, phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo TP.Hải Phòng cho hay, địa phương sẽ dùng ngân sách thành phố để tiêm cho 2 triệu dân Hải Phòng và mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm, tạo điều kiện cho Hải Phòng sớm có vắc xin.

Lô vắc xin Covid-19 vừa về Việt Nam trị giá bao nhiêu tiền?

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 25.1 đến 16 giờ ngày 23.2 đã ghi nhận 809 trường hợp mắc Covid-19 ở trong nước tại 13 tỉnh, thành phố. Trong đó, tất cả 12 tỉnh, thành phố đều có ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương (là người trở về từ Hải Dương hoặc tiếp xúc với F0).
Nhận định chung, theo Bộ Y tế, tình hình dịch đã cơ bản kiểm soát tốt tại 11/13 tỉnh, thành phố khi gần 2 tuần không ghi nhận ca mắc mới. Các cơ quan, đơn vị từ T.Ư đến địa phương đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, khẩn trương quay trở lại lao động, sản xuất và duy trì các biện pháp phòng chống dịch ngay sau kỳ nghỉ tết, không để xảy ra các tình huống phức tạp về dịch bệnh.
Về vấn đề vắc xin, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch sử dụng và làm việc với các đối tác thực hiện nhập khẩu. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước; xã hội hóa và huy động các nguồn lực phục vụ việc cung cấp một cách nhanh nhất, rộng nhất.
Hiện Bộ Y tế đã cấp chứng nhận cho 3 kho lạnh âm sâu đến -86°C, 51 kho lạnh từ 2 - 8°C của Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng hệ thống thiết bị vận chuyển vắc xin chuyên dụng với khả năng lưu trữ khoảng 170 triệu liều vắc xin.

Tin tổng hợp dịch Covid-19 ngày 24.2: Đã có vắc xin nhưng các ổ dịch vẫn nóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.