Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VneID trên toàn quốc chiều 2.10, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ đánh giá ứng dụng sổ sức khỏe điện tử và tiến tới bệnh án điện tử sẽ mang lại hiệu quả, tác động rất to lớn.
Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai ước tính mỗi năm cần 50 tỉ đồng để mua phim cho chiếu chụp, vừa tốn kém, ảnh hưởng môi trường, khó lưu giữ lâu. Ngoài ra, với sổ sức khỏe điện tử, các bệnh viện có thể căn cứ dữ liệu liên thông để đưa ra các quyết định như bệnh nhân có cần chuyển tuyến không.
Mặt khác, nguồn dữ liệu của các bệnh viện tuyến đầu cả nước là rất lớn, nhưng hiện lưu trữ giấy nên rất khó ứng dụng vào nghiên cứu.
"Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá các bệnh viện lớn của Việt Nam như Bạch Mai đang nằm trên kho dữ liệu, nhưng là dữ liệu "chết", phải số hóa để làm sống lại kho dữ liệu đó. Làm được điều này sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng để ngành y Việt Nam có những nghiên cứu công bố quốc tế", ông Cơ nói.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai mong muốn tiến tới thí điểm bệnh án điện tử tại bệnh viện và nếu thành công sẽ hướng dẫn các bệnh viện khác.
Hiện, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc ban hành Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID và hướng dẫn thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID...
Nhờ đó đã tiết kiệm khoảng 1.150 tỉ đồng/năm tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh; tạo thuận lợi cho người dân trong việc chủ động theo dõi hồ sơ sức khỏe của bản thân và có thể cung cấp hồ sơ bệnh án của bản thân cho đội ngũ y bác sĩ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào.
Khi dữ liệu được liên thông giữa các bệnh viện (dữ liệu xét nghiệm, chẩn đoán...) sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí (giảm thiểu thời gian tiếp đón bệnh nhân, không phải nhập lại các dữ liệu thông tin đã có sẵn trên hệ thống) cũng như giúp phục vụ chẩn đoán chính xác và hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh, tránh lãng phí.
Cơ quan quản lý nhà nước có thể phân tích dữ liệu sức khỏe người dân để thống kê, tổng hợp, dự báo, đưa ra các chính sách quản lý nhà nước.
Liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện còn hạn chế
Tuy nhiên, việc triển khai và sử dụng sổ sức khỏe điện tử còn nhiều hạn chế như liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện còn nhiều bất cập; việc công nhận, tái sử dụng kết quả xét nghiệm, chẩn đoán còn nhiều vướng mắc.
Thủ tướng chỉ rõ mục tiêu mỗi công dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đều sở hữu một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, tiến tới có bệnh án điện tử.
Đến đầu năm 2025, 100% cơ sở y tế (công lập và tư nhân) và có 40 triệu người dân sử dụng sổ sức khỏe điện tử và 100% người dân có nhu cầu được cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện sổ sức khỏe điện tử qua VNeID, để người dân có thể sử dụng thay thế sổ khám chữa bệnh bằng giấy, hoàn thành trong năm 2024.
Đẩy mạnh hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh và người dân thực hiện sổ sức khỏe điện tử qua VNeID. Nghiên cứu xây dựng sổ sức khỏe điện tử cho trẻ em, nhất là thông tin tiêm chủng (ngay từ khi chào đời) gắn với VNeID của cha mẹ, người giám hộ. Hướng dẫn các bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, nghiên cứu thiết lập bệnh án điện tử cho tất cả công dân.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ việc liên thông dữ liệu từ các cơ sở khám chữa bệnh để tích hợp hiển thị thông tin sức khỏe lên sổ sức khỏe điện tử VNeID và tiến tới khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không phụ thuộc địa giới hành chính.
Bình luận (0)