Quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông là một trong những chủ đề được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng Mê Kông mở rộng.
Lãnh đạo các nước GMS chụp hình lưu niệm tại hội nghị - Ảnh: Thủy Tiên
|
“GMS cần thúc đẩy những dự án về môi trường và phát triển con người để tương ứng với sự phát triển kinh tế, hỗ trợ các nước thành viên chuyển sang môi trường tăng trưởng xanh, khôi phục hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước trong việc quản lý nước đô thị, nước nông thôn và nước sạch”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói và nhấn mạnh, quan trọng trên hết GMS phải hỗ trợ các nước thành viên chia sẻ thông tin trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông.
Thủ tướng cho rằng để làm được điều đó phải tăng cường đối thoại một cách thực chất cả về cơ hội, thách thức, cả về điểm tương đồng lẫn sự khác biệt. “Chúng ta hãy cùng nhau có trách nhiệm quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước và bảo tồn những giá trị tốt đẹp gắn với dòng sông, để sông Mê Kông luôn là kết nối bền chặt của tình hữu nghị, hợp tác giữa người dân và các quốc gia ven sông”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi.
Cùng chung quan điểm, Thủ tướng Thái Lan Prayut cũng nhấn mạnh việc phát triển kinh tế xanh. Ông cho rằng phát triển kinh tế và môi trường phải đi song song với nhau. “Mê Kông không chỉ là một dòng sông mà còn là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa, tinh thần, lịch sử. Vì vậy, khi khai thác nguồn nước sông Mê Kông, các nước GMS không nên chăm chăm lợi ích cục bộ mà phải tôn trọng và cùng gìn giữ vì lợi ích chung”, ông Prayut khẳng định.
20 - 30 tỉ USD trong tầm tay
Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi gặp song phương người đồng cấp Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Thủ tướng cho biết, VN - Thái Lan đã trở thành đối tác chiến lược. Hiện nay, kim ngạch hai chiều giữa hai nước khoảng 11 tỉ USD. “Trong chuyến đi này, Tập đoàn dầu khí quốc gia Thái Lan có ngỏ ý muốn đầu tư để làm tổ hợp lọc hóa dầu tại VN với số vốn 22 tỉ USD. Bên cạnh đó, Tập đoàn Amata (đã đầu tư tại khu công nghiệp Amata Biên Hòa - PV) cũng dự định tiếp tục đầu tư một dự án khác tại Quảng Ninh với số vốn khoảng 5 tỉ USD... Đầu tư của Thái Lan vào VN hiện nay khoảng 6,7 tỉ USD, chỉ cần vài dự án trên mà được thực hiện thì đã đạt 20 - 30 tỉ USD”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Trong khi đó, về giao thương giữa VN - Thái Lan, ông Prayut cho biết tại hội nghị: “Như đã thảo luận với thủ tướng VN, đầu năm 2015, để thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế đông - tây, những cửa khẩu dọc tuyến đường xuyên quốc gia từ Bangkok (Thái Lan) - Savanakhet (Lào) - Đà Nẵng (VN) sẽ được nới lỏng thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian hơn để việc giao thương hàng hóa cũng như việc qua lại của người dân giữa ba nước được thuận lợi”.
Trong sáng 20.12, VN - Thái Lan đã đồng ý yêu cầu Bộ Lao động hai nước sớm ký hiệp định hợp tác lao động để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người VN. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác giáo dục ngư dân và xử lý các vụ việc vi phạm của tàu bè, ngư dân trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế và quan hệ hữu nghị đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước, cũng như trên tinh thần nhân đạo.
30 tỉ USD để kết nối các nước GMS
Tại hội nghị, 6 nước thuộc tiểu vùng Mê Kông: VN, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Trung Quốc đồng ý sử dụng 30 tỉ USD vào các dự án phát triển trong 10 năm tới. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề nghị cho vay và viện trợ 3 tỉ USD giúp 5 nước còn lại cải thiện cơ sở hạ tầng và sản xuất để xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, ông Lý còn cam kết sẽ chi 16,4 triệu USD để nạo vét dọc sông Mê Kông đề phòng thảm họa tự nhiên.
Trước đó, chiều 19.12, Trung Quốc ký bản ghi nhớ sẽ đầu tư xây dựng hệ thống đường ray mới tại Thái Lan, dự kiến hoàn thành năm 2022 với chi phí khoảng 10,6 tỉ USD. Đường ray này sẽ nối với hệ thống đường sắt cao tốc dài 3.000 km của Trung Quốc từ Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đến Singapore, đi qua Lào, Thái Lan và Malaysia để thúc đẩy kinh tế giữa Trung Quốc và Đông Nam Á.
|
Bình luận (0)