Đến dự lễ khánh thành nhà máy sản xuất xe Mazda có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á tại KCN cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chia sẻ liên quan tới ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong đó, Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng của Thaco (Trường Hải) và đối tác Mazda Nhật Bản trong nỗ lực đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng như cải thiện chất lượng bắt kịp xu hướng hiện đại hóa của cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định luôn đối xử với các doanh nghiệp sản xuất ô tô bình đẳng, không phân biệt trong/ngoài nước cùng hướng tới mục tiêu chung đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và kinh tế - xã hội của cả nước. Chính phủ sẽ có những chính sách phù hợp đảm bảo tính công bằng giữa ô tô lắp ráp và nhập khẩu.
|
Cũng trong chia sẻ của mình, Thủ tướng cho biết ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn vào khu vực ASEAN. Ngay từ đầu năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đủ điều kiện từ khu vực ASEAN vào Việt Nam đã được miễn thuế nhập khẩu mở ra cơ hội cũng như thách thức lớn đối với công nghiệp ô tô trong nước.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Trong xu thế ấy, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam xuất hiện những doanh nghiệp có tiềm lực, đầu tư lớn, bài bản vào cải thiện chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước hướng tới xuất khẩu như Thaco, Hyundai Thành Công hay Vinfast”.
Để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể lấy tiêu chuẩn khu vực, quốc tế làm mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi, an toàn của người tiêu dùng đáp ứng nhu cầu nội địa hướng tới xuất khẩu sang thị trường khu vực và thế giới. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần nâng cao tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm, phát triển công nghiệp phụ trợ, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.
|
Thủ tướng cũng đề nghị phía địa phương tiếp tục đồng hành tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất. Các bộ, ban ngành trung ương cần tiếp tục hoàn thiện chính sách quy định pháp luật liên quan để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa lên trên 40% để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%.
Có thể nói, năm 2018 là năm đầy biến động của thị trường lẫn ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Nếu như những năm trước là bước đệm để các doanh nghiệp chọn hướng đi trong tương lai thì 2018 là thời điểm chuyển giao giữa hai thời kỳ buộc các nhà sản xuất phải thích ứng và duy trì một kế hoạch phát triển ổn định. Với sự điều tiết của các chính sách, xe lắp ráp trong nước sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN mở ra một chương mới cho cả hai lẫn bên thứ 3 là người tiêu dùng.
Bình luận (0)