Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đừng coi vấn đề trẻ em là chuyện con nít

06/08/2018 16:02 GMT+7

Công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định như vậy khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em do Ủy ban Quốc gia về trẻ em  tổ chức sáng nay, 6.8.
Hội nghị được truyền hình trực tuyến tới 675 điểm cầu ở cấp huyện, xã - cấp cơ sở có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, với sự tham gia của khoảng 18.000 đại biểu.
Mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hà, thống kê của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy, mỗi năm tại Việt Nam phát hiện khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý, cho nên con số nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao, với 21,3% trong tổng số trẻ bị xâm hại; có tới 60% trẻ trong số bị xâm hại là bởi người quen, hàng xóm. Ước tính, khoảng 68,4% số trẻ em từ 1 - 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.
“Ba năm gần đây, số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý ở Việt Nam tuy có giảm nhưng tỷ lệ không nhiều (năm 2016 giảm 4,4% so với năm 2015; năm 2017 giảm 3% so với năm 2016), trong khi tính chất vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nạn nhân bị bạo lực, xâm hại xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt là có cả những trẻ em tuổi mầm non”, bà Hà cho biết.
Theo ông Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45 - Bộ Công an), 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ xâm hại trẻ em, trong đó, xâm hại tình dục trẻ em gồm 573 vụ, chiếm 79,5% tổng số vụ xâm hại trẻ em.
Bố trí ngay người làm công tác trẻ em ở cấp xã
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thời gian qua, Việt Nam đã đạt được một số kết quả trong công tác bảo vệ trẻ em như cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi; gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng; gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo; không thu học phí đối với học sinh tiểu học; triển khai Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111, hoạt động 24/7 miễn phí...
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ trẻ em, như tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ở mức cao (khoảng 24%). Đáng chú ý, tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm. “bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em, là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh. 
Theo Thủ tướng, sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một trong những nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở phải nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và quan tâm đúng mức hơn về công tác bảo vệ trẻ em. "Chủ tịch UBND cấp xã cần bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã”, Thủ tướng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền cấp xã tại các địa phương cần nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em ở cấp này, do Chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu, với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, Đoàn thanh niên xã, Hội Phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản…
“Các mô hình này rất cần thiết. Chúng ta lo họp chuyện này, chuyện khác suốt, còn trẻ em thì không nhắc tới, coi là chuyện con nít thì làm sao chuyển biến được? Đề nghị các địa phương chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em; bố trí đủ nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em”, Thủ tướng yêu cầu.
Đối với các vụ việc xâm hại trẻ em, Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chính quyền, không để tình trạng nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng cơ quan chịu trách nhiệm từng công việc cụ thể thì chưa rõ. Trong đó, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có chương trình đào tạo, giáo dục kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ em; Ủy ban quốc gia về trẻ em định kỳ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá tại các bộ, ngành, địa phương về thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em...
Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Đề án Vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm phát động phong trào hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhân ngày Vì người nghèo Việt Nam 17.10 tới. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.