Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khởi nghiệp sáng tạo là động lực đột phá

30/11/2018 08:39 GMT+7

Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 do T.Ư Đoàn tổ chức hôm qua (29.11), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khởi nghiệp sáng tạo là động lực đột phá trong các mô hình tăng trưởng.

Diễn đàn với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo tại VN” đã thu hút gần 400 đại biểu thanh niên, doanh nhân trẻ, chuyên gia tham dự.
Nhà khởi nghiệp thì tiền bạc ít, chỉ có ý tưởng. Giờ thiếu vốn thì nhà nước phải tạo điều kiện. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện đề án này, để công bố rộng rãi và có cơ chế thuận lợi đối với vay khởi nghiệp sáng tạo
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận diễn đàn hôm nay đưa đến cơ hội cho nhiều đại diện của cộng đồng khởi nghiệp trẻ. “Chúng ta đã tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp của VN đứng thứ 3 trong ASEAN. Chính phủ sẽ quyết tâm tạo mọi điều kiện, để hệ sinh thái khởi nghiệp VN lớn mạnh và hoàn thiện hơn nữa trong thời gian đến. Vì khởi nghiệp sáng tạo là động lực đột phá trong các mô hình tăng trưởng của VN”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.
Phát biểu khai mạc, anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN, tin tưởng: “Diễn đàn sẽ là nơi để cộng đồng khởi nghiệp thẳng thắn chia sẻ cởi mở, để các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới và sáng tạo tổng hợp, kiến nghị Chính phủ có những cơ chế, chính sách cần thiết để tạo ra sự đột phá”.
Gỡ nút thắt vốn cho khởi nghiệp
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, đại diện một quỹ đầu tư Nhật Bản, cho rằng doanh nghiệp (DN) VN, đặc biệt là các DN đổi mới sáng tạo đang gặp khó khăn về phân khúc đầu tư vốn, dù hiện tại các nhà đầu tư đã tìm đến nhiều nhất trong 10 năm qua. Ông Dũng nhận định nút thắt hiện nay chính là giai đoạn đầu tư thiên thần. Chính phủ cần có chính sách để kéo các nhà đầu tư lớn vào VN, để các nhà đầu tư nhỏ cũng theo vào, tiếp theo đó, cũng cần có kênh thoái vốn, đầu ra cho các nhà đầu tư.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN, đưa ra lời khuyên gọi vốn: “Các nhà đầu tư bên cạnh cung cấp vốn, chia sẻ kinh nghiệm còn tận dụng hệ sinh thái để phát triển đầu ra cho sản phẩm, cho dịch vụ của mình. Nhưng hầu như các khởi nghiệp thường bán các giá rất cao. Tôi khuyên các bạn nghiên cứu rất kỹ khi đưa ra giá hợp lý, khi đó mới dễ dàng kêu gọi các nhà đầu tư”.
Theo ông Anh, các quỹ đầu tư nước ngoài, đối với đầu tư khởi nghiệp họ đều có các chỉ tiêu về mặt tài chính, lợi nhuận... Đối với những doanh nhân thành đạt và các thương hiệu lớn của VN, cần chính sách 1 kèm 1 để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp”.
Tuy nhiên, Linh Phạm, nhà sáng lập Công ty công nghệ vận tải Logivan, lại có quan điểm khác khi chia sẻ kinh nghiệm gọi được gần 2,4 triệu USD trong vòng 1 năm trở lại đây. “Phải tự tin gọi vốn nhiều cho dự án của mình, giảm bớt sự cạnh tranh tùy vào việc đánh giá độ lớn dự án của bạn”, Linh khuyên.
Vốn là câu chuyện quyết định thành công của DN khởi nghiệp, đặc biệt với DN thuộc lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao…
Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gỡ ngay nút thắt vốn khi chỉ đạo: “Nhà khởi nghiệp thì tiền bạc ít, chỉ có ý tưởng. Giờ thiếu vốn thì nhà nước phải tạo điều kiện. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện đề án này, để công bố rộng rãi và có cơ chế thuận lợi đối với vay khởi nghiệp sáng tạo”.
Sẽ có quỹ đầu tư khởi nghiệp
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, chia sẻ vấn đề lớn nhất của các DN, đặc biệt khởi nghiệp là chạy rất nhanh, nên quan trọng hơn cả là môi trường khởi nghiệp phải đảm bảo. “Cần mở một sàn chứng khoán startup ASEAN. Vốn sẽ là vốn cả khu vực”, ông Bình gợi ý. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay lập tức đồng tình quan điểm này và định hướng sẽ có sàn chứng khoán để các khởi nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn.
Nhiều đại biểu tham dự cũng mạnh dạn chia sẻ về những khó khăn từ thực tế khởi nghiệp. Anh Vũ Duy Thức, với kinh nghiệm 15 năm “va chạm” khởi nghiệp, một trong 40 nhân vật trẻ tuổi nổi bật nhất tại Thung lũng Silicon, cho rằng nên có những chương trình đào tạo toàn diện về khởi nghiệp sáng tạo, như vậy mới tạo đột phá. “Thành lập liên minh cho những nghiên cứu ứng dụng cụ thể tại VN để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững”, anh Thức nói.
Từ hệ sinh thái khởi nghiệp, nhiều ý kiến đánh giá cao vai trò của những người dẫn đầu và đặt vấn đề nên chăng có những ưu tiên cho các DN lớn để họ dẫn dắt khởi nghiệp, cùng phát triển. Bên cạnh đó cần có chính sách liên kết với các trường đại học, đặt hàng tham gia khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm hoặc hình thành cơ chế đặt hàng để các nhà đầu tư và nhà sáng tạo gặp nhau…
Tại diễn đàn, Thủ tướng cho biết, thời gian đến Chính phủ sẽ đặc biệt lưu tâm đến khung pháp lý, chính sách, luật pháp để có giải pháp thiết thực hơn cho khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó cũng sẽ có cơ chế vốn và tài chính cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với thủ tục nhanh chóng, thuận lợi; chính sách bảo hiểm, bảo hộ cho các DN lớn trong bảo trợ khởi nghiệp. Theo Thủ tướng, phải xác nhận rủi ro trong khởi nghiệp nên cần thiết có quỹ bảo hiểm tài chính và đặc biệt quan trọng là quỹ đầu tư khởi nghiệp. “Vấn đề tạo lâp quỹ đầu tư khởi nghiệp, huy động nguồn vốn từ phía DN lớn… sẽ giao các bộ KH-ĐT, Tài chính, KH-CN nghiên cứu khẩn trương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 này”, Thủ tướng chỉ đạo.
Chính phủ tạo mọi điều kiện để có môi trường khởi nghiệp thuận lợi nhất
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khai mạc của ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest VN 2018) với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối toàn cầu” do Bộ Khoa học - Công nghệ, Ban Kinh tế T.Ư, T.Ư Đoàn, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, UBND TP.Đà Nẵng tổ chức vào tối qua (29.11). Dự lễ khai mạc còn có nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương… và hơn 700 khởi nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sắp tới, Chính phủ sẽ xây dựng một chương trình quốc gia tầm nhìn 2045 với những chính sách cụ thể về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia... Thủ tướng đề nghị các ngành, các bộ, địa phương xem hỗ trợ DN và khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Theo Thủ tướng, VN cần hình thái hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, kết nối và hội tụ những người có năng lực ở nhiều lĩnh vực; phải có được trái tim hệ sinh thái khởi nghiệp.
Thủ tướng đề xuất hình thành trung tâm khởi nghiệp quốc gia, trước mắt đặt ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, qua đó, xây dựng mạng lưới kết nối. “Chính phủ sẽ cam kết hỗ trợ tài chính và nguồn lực cần thiết. Trung tâm khởi nghiệp quốc gia phải thật sự là cộng đồng sáng tạo và đổi mới mạnh mẽ… Chúng ta cần có chương trình đào tạo khởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp; đưa khởi nghiệp vào các chương trình đào tạo bắt buộc và tự chọn”, Thủ tướng nói và khẳng định Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để có môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất.
Diễn ra trong 2 ngày (29 - 30.11), Techfest VN 2018 có các hoạt động như: Diễn đàn đối thoại cấp cao chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái quốc gia hướng tới liên kết khu vực và toàn cầu, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, Diễn đàn kinh tế thế giới WEF… Ngày hội giới thiệu về những ý tưởng sáng tạo của người VN. Điểm nhấn trong chuỗi sự kiện này chính là buổi trao giải cuộc thi chung kết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sự góp mặt của các khởi nghiệp đoạt giải cao của các Techfest vùng và các nước ASEAN, những ý tưởng sáng tạo hay nhất sẽ tham gia vào những sự kiện khởi nghiệp tại Mỹ (Thung lũng Silicon), Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.