Nóng chuyển đổi ngân hàng số
Sáng 26.12, Ngân hàng nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu khai mạc, bà Lê Thị Hồng, Thống đốc NHNN, cho biết năm 2020 là năm sẽ không bao giờ quên vì đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng và tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Với trách nhiệm của mình, hệ thống ngân hàng đã triển khai một loạt nhiệm vụ như: tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư; tiếp tục giữ cho hệ thống hoạt động an toàn, lành mạnh…
Những kết quả đạt được bước đầu là tích cực, song bà Hồng cũng cho rằng, hội nghị cần nhấn mạnh các nội dung về vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, nợ xấu. “Đặc biệt vấn đề ứng dụng công nghệ và phát triển dịch vụ thanh toán, ngân hàng số ở Việt Nam ra sao, lộ trình, bước đi thế nào để hệ thống ngân hàng không bị tụt hậu mà vẫn đảm bảo được hệ thống an toàn, ổn định”, bà Hồng gợi mở.
|
Có thể nói, ngân hàng số đang trở thành vấn đề sống còn đối với phát triển hệ thống ngân hàng. Nó cũng là “con bài” chiến lược để các nhà băng nhỏ đi sau, về trước, sẵn sàng cạnh tranh với các ngân hàng lớn có bề dày lịch sử.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao toàn hệ thống ngân hàng khi đã vừa điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô, giữ lạm phát, đồng thời hỗ trợ được cho tăng trưởng. Đáng chú ý, hệ thống ngân hàng phát triển ngày càng lớn mạnh và an toàn, đặc biệt nhiều ngân hàng cổ phần vươn lên mạnh mẽ sau tái cơ cấu. "Nhờ áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ rất nhiều ngân hàng phát triển mạnh mẽ sau tái cơ cấu như TPBank, Sacombank...", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trước đó, tại hội nghị, nhiều ngân hàng chia sẻ về định hướng lựa chọn phát triển số hoá ngân hàng, ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0. Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Chủ tịch HĐQT TPBank, cho biết TPBank lựa chọn chuyển đổi số như là mục tiêu chiến lược và toàn diện của nhà băng. Hệ thống vận hành với hàng trăm robot tự động hóa (RPA) và nhận dạng ký tự quang học (OCR); giao dịch, phê duyệt online...
Đặc biệt, TPBank phát triển mô hình ngân hàng tự động không cần nhân viên và ngân hàng tự động 24/7 LiveBank được ra đời năm 2017. “Từ những thành công này chúng tôi rút ra những bài học kinh nghiệm sau, chuyển đổi số cần phải được xây dựng trên chiến lược bài bản căn cơ. Và cấp cao nhất phải có quyết tâm máu lửa để truyền đạt xuống toàn hàng. Coi chuyển đổi số là mục tiêu sống còn của ngân hàng trong phát triển dài hạn”, ông Phú chia sẻ.
|
Cần chia sẻ với khó khăn của người dân, doanh nghiệp
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá 5 năm qua, ngành ngân hàng có bước phát triển vượt bậc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Năm 2020, chúng ta gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là dịch COVID-19, tuy nhiên ngành ngân hàng với vai trò huyết mạch của nền kinh tế đã vào cuộc rất sớm với tinh thần "chống dịch như chống giặc"; chủ động có giải pháp ứng phó với tác động của dịch COVID-19, bão lũ, khắc phục khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, khéo léo, góp phần duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đạt gần 11%. “Đặc biệt, tôi đánh giá cao các đồng chí nhiều lần giảm lãi suất điều hành, từ đầu năm đến nay, 3 lần giảm lãi suất điều hành, khoảng 1,5 - 2%/năm, giảm sâu nhất trong khu vực”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, mặc dù NHNN và các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung dài hạn. Do ảnh hưởng của Covid-19 nên nguy cơ nợ xấu gia tăng.
Vì vậy, cùng với việc mở rộng tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, NHNN và các tổ chức tín dụng cần có các giải pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Còn không ít tồn tại, yếu kém và các sai phạm của các tổ chức tín dụng cần tiếp tục được chấn chỉnh và xử lý kịp thời, đặc biệt là đối với các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng yếu kém và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ cũng đặt câu hỏi với các lãnh đạo ngân hàng: “Năm nay, chia sẻ với người dân thế nào, giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào, chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu”. Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu dứt khoát ngành ngân hàng không để thiếu vốn tín dụng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Đối với NHNN, cần tính toán tăng trưởng tín dụng năm 2021 là bao nhiêu để đóng góp vào tăng trưởng vì với Việt Nam, tín dụng vẫn là một kênh quan trọng đối với sự phát triển. Cần tập trung hoàn thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Bình luận (0)