Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021-2030

21/06/2022 08:56 GMT+7

Sáng 21.6, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030.

6 nội dung chính

Cùng dự và chủ trì với Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội; Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Ngoài ra, còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương vùng ĐBSCL, TP.HCM, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, các chuyên gia và nhà khoa học.

ĐBSCL đang được trung ương đặc biệt quan tâm để khơi thông những tiềm năng lợi thế

đình tuyển

Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 bao gồm 6 nội dung chính. Thứ nhất, công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28.2.2022. Thứ hai, định hướng triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị

đình tuyển

Thứ ba, thống nhất triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ tư, công bố cam kết tài trợ của nhóm 6 ngân hàng phát triển thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025 sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài với mức vốn cam kết vào khoảng 2,2 tỉ đô la. Thứ năm, xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành cùng Chính phủ triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng về phát triển vùng, liên kết vùng để thực hiện quy hoạch đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Thứ sáu, quảng bá hình ảnh, vùng đất, văn hóa, con người Vùng thông qua Triển lãm ảnh nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển”.

Nhấn mạnh liên kết vùng

Theo Bộ KH-ĐT, hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng. Ở đó, liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng.

Liên kết vùng sẽ là chìa khóa để ĐBSCL phát triển

đình tuyển

Qua đó, giúp tổ chức thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết 13–NQ/TW của Bộ Chính trị và Quy hoạch vùng ĐBSCL đã được phê duyệt. Đồng thời, tranh thủ có hiệu quả sự ủng hộ, hợp tác, đồng hành của các bạn bè, đối tác quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để góp phần thực hiện mục tiêu đưa vùng ĐBSCL đến năm 2050 trở thành trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.

ĐBSCL là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích khoảng 40,6 nghìn km2, chiếm 13% diện tích tự nhiên cả nước. Đây là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Đồng thời, vùng cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều…

Khu vực này thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước cần được phát huy cao hơn, tiềm năng, lợi thế to lớn, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển của vùng và cả nước trong thời kỳ mới.

Nghị quyết số 13–NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục mở ra hình dung sâu sắc về diện mạo vùng kinh tế- xã hội ĐBSCL trong tương lai theo hướng phát triển hài hòa, thuận thiên, “toàn diện theo hướng sinh thái, văn minh, bền vững, mang bản sắc sông nước”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.