Chuyến đi theo lời mời của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Czech Petr Fiala, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab.
Thúc đẩy hợp tác sâu rộng
Ở góc độ song phương, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, chuyến thăm chính thức đến Ba Lan, Czech và làm việc tại Thụy Sĩ của Thủ tướng là cơ hội quan trọng để VN thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn với các nước cũng như khu vực Trung Đông Âu và EU, phát huy vai trò cầu nối giữa Ba Lan, Czech với ASEAN, tăng cường phối hợp giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững ở mỗi khu vực và trên thế giới.
Với Czech và Ba Lan, chuyến thăm hết sức đặc biệt bởi diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa VN với Ba Lan và với Cộng hòa Czech (2.1950 - 2.2025). Nhiều công trình trên khắp mọi miền đất nước đã ghi dấu sự ủng hộ, giúp đỡ của đất nước và nhân dân Ba Lan và Czech đối với VN, như Bệnh viện VN - Ba Lan ở Nghệ An, Trường trung học phổ thông VN - Ba Lan tại Hà Nội, hay Bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp, Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội…
"Thủ tướng và lãnh đạo cấp cao các nước sẽ trao đổi và thống nhất các biện pháp quan trọng nhằm không ngừng củng cố tin cậy chính trị, nâng cao tính chiến lược trong các nội hàm hợp tác, làm mới những lĩnh vực hợp tác truyền thống như kinh tế - thương mại - đầu tư, lao động, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch…, tạo động lực, tạo đột phá trong các lĩnh vực tiềm năng và quan trọng như quốc phòng, an ninh, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, kết nối giao thông vận tải…", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho hay.
Ở góc độ đa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55 với chủ đề "Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh" được Ban lãnh đạo WEF và cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu rất trông đợi. Đây là cơ hội quan trọng để cộng đồng quốc tế và các doanh nghiệp lớn được trực tiếp trao đổi với Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về những định hướng, ưu tiên phát triển, những cơ hội mà VN có thể mang lại cho các doanh nghiệp trong giai đoạn thế giới chuyển đổi sâu sắc hiện nay.
"Thủ tướng sẽ truyền tải những thông điệp quan trọng về quyết tâm, khát vọng và tầm nhìn của VN hướng đến các mục tiêu phát triển chiến lược trong 20 năm tới. Với những trao đổi sâu sắc tại hội nghị có sự tham dự của hơn 3.000 lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới, chúng ta cũng kịp thời nắm bắt những xu thế phát triển của thời đại, những dòng chảy đang định hình kỷ nguyên thông minh, từ đó xây dựng cơ chế, chính sách, biện pháp để tận dụng thời cơ và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ những xu thế mới", theo bà Hằng.
Đối tác thương mại hàng đầu tại Trung Đông Âu
Ba Lan và Czech là những đối tác thương mại hàng đầu của VN tại khu vực Trung Đông Âu. Hợp tác trong các lĩnh vực như quốc phòng - an ninh, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - thể thao và du lịch, lao động... phát triển tích cực.
Kim ngạch thương mại VN - Ba Lan tới tháng 11.2024 đạt 3,1 tỉ USD. Tính đến tháng 10.2024, Ba Lan đứng thứ 21/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào VN với 32 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 473 triệu USD, hình thức chủ yếu là 100% vốn nước ngoài. VN có 4 dự án đầu tư tại Ba Lan với tổng vốn đầu tư 1,84 triệu USD, thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp chế biến.
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 giữa VN và Czech đạt gần 1,134 tỉ USD, trong đó VN xuất khẩu sang Czech 958 triệu USD, nhập khẩu từ Czech đạt hơn 176 triệu USD.
VN xuất khẩu sang Czech các mặt hàng như: cà phê, hạt tiêu, hoa quả tươi - khô, lạc, chè, gạo, cao su, hải sản, giày dép, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện vi tính… VN nhập khẩu từ Czech hàng điện tử, máy móc, hóa chất, hàng may mặc, sợi dệt vải, hàng da, sữa và các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, sản phẩm cơ khí, chất dẻo, thủy tinh…
Hiện Czech có 41 dự án FDI tại VN với tổng số vốn 92 triệu USD (đứng thứ 50/149), tập trung chủ yếu trong ngành chế biến, chế tạo, khai khoáng. Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của Czech là năng lượng, đầu máy - toa xe lửa, xe buýt, tàu điện, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu. Hiện Czech đang triển khai dự án thành lập liên doanh sản xuất ô tô của Tập đoàn SKODA Auto với Tập đoàn Thành Công tại Quảng Ninh tổng trị giá 450 triệu USD (dự kiến đi vào hoạt động quý 1/2025). Ngoài ra, Tập đoàn Sev.en Global Investment của Czech đang hoàn tất bổ sung các hồ sơ còn thiếu mua lại 51% cổ phần nhà máy điện than Mông Dương 2 tại Quảng Ninh.
VN có 4 dự án đầu tư sang Czech. Cộng hòa Czech là nước Đông Âu đầu tiên cấp ODA cho VN, tổng cộng khoảng 20 triệu USD. Năm 1994 cấp 14 triệu USD hỗ trợ đào tạo và việc làm cho lao động VN ở Czech về nước; năm 1995 và 2008 cấp 2,8 triệu USD để xây dựng và hiện đại hóa Trung tâm chỉnh hình cho trẻ em tàn tật ở Bắc Thái (hoạt động từ tháng 5.1999); trợ giúp hiện đại hóa Bệnh viện Việt - Tiệp tại Hải Phòng (1,4 triệu USD), Trung tâm đào tạo kỹ thuật giày da ở Hải Phòng (700.000 USD).
Cộng đồng người VN tại Ba Lan hiện có khoảng 25.000 người, một số Việt kiều tại Ba Lan đã quay về nước đầu tư tương đối thành công, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và tài chính.
Cộng đồng người Việt tại Czech đông hơn, khoảng gần 100.000 người. Ngày 3.7.2013, Chính phủ Czech đã quyết định bổ sung đại diện người Czech gốc Việt vào Hội đồng Dân tộc thiểu số, qua đó công nhận sự tồn tại của người Czech gốc Việt là dân tộc thiểu số thứ 14 của Czech (là cộng đồng dân tộc thiểu số lớn thứ 3 tại Czech, chiếm 1% dân số).
Bình luận (0)