Chiều 27.3, Đoàn công tác T.Ư do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, 3 tháng đầu năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 cùng một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh.
Kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết từ khi tái lập tỉnh đến nay, trên chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển vươn lên thành một tỉnh khá trong khu vực và đóng góp 14% vào ngân sách T.Ư từ năm 2022. Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư khá đồng bộ, nhất là hệ thống đường ven biển gắn với sân bay và hệ thống cảng biển Chu Lai được hình thành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam |
MẠNH CƯỜNG |
Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 23.773 tỉ đồng, gấp 102 lần so với năm 1997. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 193 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 5,8 tỉ USD và hơn 9.138 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,04%, xếp vị thứ 31/61 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 2/5 tỉnh, thành phố trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung…
Trong 3 tháng đầu năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã thu ngân sách gần 8.300 tỉ đồng, đạt hơn 37% dự toán T.Ư giao, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo khả năng thu ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn thành dự toán năm và có khả năng vượt. Trong năm 2022, tỉnh Quảng Nam cũng đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng (GRDP) từ 7,5 - 8%; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 23.700 tỉ đồng (tăng 22,4% so với dự toán giao năm 2021).
Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung liên quan đến cơ chế đặc thù bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, đầu tư phát triển sân bay Chu Lai, hệ thống cảng biển, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai; hình thành trung tâm quốc gia về công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, bổ sung quỹ đất phát triển công nghiệp.
Cùng với đó là các nội dung kiến nghị liên quan đến sắp xếp lại rừng phòng hộ, ven biển kết hợp phát triển kinh tế với phòng chống thiên tai; phát triển ngành công nghiệp dược liệu tự nhiên; hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu ngành Silica. UBND tỉnh cũng đề cập đến các nội dung hình thành khu phức hợp giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc tế và giải quyết tồn tại kéo dài của dự án Làng đại học Đà Nẵng…
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng với tiềm năng lợi thế tỉnh Quảng Nam sẽ có sự phát triển bứt phá trong thời gian tới, khi tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để tạo điều kiện phát triển, nhất là điểm nghẽn trong việc phát triển hạ tầng giao thông.
Ông Nghị cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần chú trọng hơn nữa trong công tác quy hoạch và quy hoạch phân khu đô thị, vùng miền. Để đảm bảo tính cấp thiết, ông Nghị đề nghị Thủ tướng cho phép vừa điều chỉnh cục bộ, vừa điều chỉnh quy hoạch chung để cập nhật lại cho phù hợp nhằm thu hút đầu tư.
“Về vấn đề sắp xếp rừng phòng hộ ven biển mà UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị, Bộ Xây dựng thống nhất chủ trương và đề nghị tỉnh Quảng Nam đánh giá kỹ vai trò, tính chất của loại rừng này ở từng vị trí để xin cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi để phát triển”, ông Nghị nói.
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành. Đồng thời, đánh giá cao thành quả của Quảng Nam sau 25 năm tái lập tỉnh cũng như dấu ấn 2021.
“Quảng Nam phải phát huy tối đa tiềm năng đã có, kế thừa những thành quả các đàn anh đi trước nhưng phải tạo ra cái mới để thu hút nguồn lực phát triển. Quảng Nam có rất nhiều lợi thế mà nhiều tỉnh khác không có được, càng đi sâu, càng nghiên cứu thì càng thấy nhiều lợi thế. Phải đưa Quảng Nam thành tỉnh phát triển nhanh nhưng phát triển theo hướng bền vững”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra cảng biển Chu Lai vào sáng cùng ngày (27.3) |
MẠNH CƯỜNG |
Thủ tướng đánh giá những điểm nghẽn Quảng Nam đang phải xử lý do vướng về thể chế, cơ chế chính sách, nhiều vướng mắc mang phạm vi chung cả nước. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành phải cố gắng xử lý trong thẩm quyền, phối hợp với tỉnh để giải quyết, không để kéo dài.
Về Cảng hàng không Chu Lai, Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu, các Bộ, ban ngành căn cứ thẩm quyền xem xét nhanh chóng giải quyết do đây là cảng hàng không có vị trí chiến lược, phải giải quyết căn cơ, bài bản, làm theo hình thức hợp tác công tư hoặc xã hội hóa.
Về mở rộng các tuyến quốc lộ kết nối vùng tây của Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ủng hộ phương án làm tuyến đường mới, giao Bộ GTVT cùng doanh nghiệp và tỉnh tính toán mở tuyến đường mới theo hướng hợp tác công tư, ủng hộ chủ trương phát triển công nghiệp dược liệu tự nhiên của tỉnh.
Bình luận (0)