Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân sắp thăm UAE, Qatar, Ả Rập Xê Út

26/10/2024 17:08 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Qatar, tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 và thăm, làm việc tại Ả Rập Xê Út từ ngày 27.10 - 1.11.

Ngày 26.10, theo thông báo của Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức UAE, Qatar, tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 và thăm, làm việc tại Ả Rập Xê Út từ ngày 27.10 - 1.11.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân sắp thăm UAE, Qatar, Ả Rập Xê Út- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân

ẢNH: ĐOÀN BẮC

Việt Nam và UAE thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1.8.1993. Kim ngạch thương mại Việt Nam - UAE những năm gần đây luôn đạt khoảng 5 tỉ USD, trong đó kim ngạch trong năm 2023 đạt 4,7 tỉ USD, tăng 6,8% so với năm 2022.

Tính đến tháng 6.2024, UAE có 41 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 71,6 triệu USD.

Đối với Qatar, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8.2.1993. Về thương mại, trong giai đoạn 2019 - 2023, tổng trao đổi thương mại hai chiều bình quân đạt 400 triệu USD mỗi năm. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 497 triệu USD, tăng 32% so với năm 2022, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Qatar 211,6 triệu USD.

Việt Nam nhập khẩu từ Qatar chủ yếu các sản phẩm khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, phân bón… và xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng thủy sản, dây và cáp điện, sản phẩm gỗ, sản phẩm mây tre, gốm sứ, rau quả, hàng điện tử…

Quan hệ giữa Việt Nam và Ả Rập Xê Út phát triển tích cực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.

Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 2,7 tỉ USD. Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam tới Ả Rập Xê Út gồm điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, gạo, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm hóa chất, hàng rau quả...

Việt Nam nhập các sản phẩm chủ yếu như chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, khí đốt hóa lỏng, thức ăn gia súc và nguyên liệu, kim loại thường khác, cao su, quặng và khoáng sản khác...

Về đầu tư và hợp tác phát triển, tính đến tháng 6 năm nay, Ả Rập Xê Út có 8 dự án đầu tư trị giá 8,57 triệu USD tại Việt Nam. Quỹ Phát triển Ả Rập Xê Út đã và đang cấp vốn vay ưu đãi cho 12 dự án với tổng trị giá hơn 164,10 triệu USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.