Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Lào theo lời mời của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) lần thứ 4.
Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay quốc tế Wattay (thủ đô Vientiane), về phía Lào có Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Aluonxai Sounnalath, Thứ trưởng Bộ Năng lượng mỏ Xay Nhakhone, Phó đô trưởng Vientiane Phukhong Bannavong, Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Phongsavan Xisulath, Vụ trưởng Vụ lễ tân Bộ Ngoại giao Amphay Kindavong. Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành và cán bộ các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào.
Tối 4.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn sẽ tham dự tiệc chiêu đãi chính thức do Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone chủ trì.
Trong ngày mai 5.4, Thủ tướng sẽ có cuộc gặp hẹp giữa Trưởng đoàn các nước thành viên Ủy hội sông Mê Kông trước khi tham dự phiên toàn thể cùng ngày. Chiều 5.4, sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng sẽ gặp Thủ tướng Lào, sau đó rời thủ đô Vientiane về nước.
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông (Ủy hội) là cơ chế hợp tác vùng có cơ sở pháp lý chặt chẽ nhất, cơ chế hợp tác về tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông đầy đủ duy nhất trong khu vực. Việt Nam xác định là quốc gia thành viên tích cực nhất, gương mẫu nhất và có tính xây dựng nhất.
Hội nghị được tổ chức 4 năm/lần, bắt đầu từ năm 2010 vào ngày 5.4 - đúng vào ngày ký kết Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông 1995. Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự hợp tác Mê Kông được cam kết và ủng hộ mạnh mẽ từ cấp cao nhất của Chính phủ các quốc gia thành viên Ủy hội, và các bên liên quan cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Kông.
Việt Nam đã xác định mục tiêu hợp tác Mê Kông, thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Kông 1995 bao gồm: đảm bảo sử dụng và quản lý hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mê Kông vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nói riêng và toàn lưu vực sông Mê Kông nói chung.
Hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của các hoạt động phát triển ở thượng nguồn, bao gồm cả các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông về phía hạ du và tới các vùng lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời duy trì ổn định và tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông, thúc đẩy hợp tác phát triển trong khu vực.
Bình luận (0)